Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối cung ứng thực phẩm cho doanh nghiệp sản xuất

08:08, 12/08/2021

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 ngàn doanh nghiệp (DN) thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất. Do cùng lúc sắp xếp cho hàng trăm công nhân ăn uống 3 bữa/ngày, buộc DN phải tính toán để khi đơn vị cung ứng gặp khó khăn sẽ không bị thiếu lương thực, thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 ngàn doanh nghiệp (DN) thực hiện cho người lao động lưu trú tại nhà máy để duy trì sản xuất. Cùng lúc sắp xếp cho hàng trăm công nhân ăn uống 3 bữa/ngày tại công ty buộc DN phải tính toán để khi đơn vị cung ứng gặp khó khăn sẽ không bị thiếu lương thực, thực phẩm.

 Huyện Tân Phú là nơi sản xuất lượng rau ăn lá lớn nên rất cần kết nối để tiêu thụ sản phẩm
Huyện Tân Phú là nơi sản xuất lượng rau ăn lá lớn nên rất cần kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: K.MINH

Từ đầu tháng 7-2021, Sở Công thương đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và các địa phương để giới thiệu các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn công nghiệp cho các DN chủ động liên hệ khi cần thiết. Do đó, quá trình thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các DN bớt lo gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

* DN lo tìm nguồn thực phẩm

Trước đây, hầu hết các DN đều có nhà cung ứng thực phẩm, suất ăn công nghiệp hằng ngày. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan rộng ngoài cộng đồng khiến nhiều khu vực, phường, xã xuất hiện ca F0 và bị phong tỏa. Do đó, nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn công nghiệp rơi vào vùng phong tỏa phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn công nghiệp cho các DN tạm thời bị gián đoạn. Trong điều kiện toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, việc DN tìm nhà cung ứng thực phẩm, suất ăn công nghiệp mới rất khó khăn.

Thực tế, các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán là vùng sản xuất rau củ quả, trái cây, chăn nuôi heo, gà lớn. Dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt, dẫn đến việc mua bán lưu thông hàng hóa nông sản, thực phẩm gặp khó khăn. Hiện nhiều khu vực sản xuất lớn đang không bán được hàng, lượng hàng tồn khá lớn, đến thời điểm thu hoạch nếu chưa có người mua sẽ phải bỏ đi. Do đó, nếu kết nối tốt để cung - cầu gặp nhau sẽ đảm bảo được nguồn thực phẩm, lương thực cho các DN sản xuất, đồng thời những nhà vườn, trang trại trên địa bàn tỉnh cũng bán được hàng, giảm bớt được thiệt hại.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Đầu tháng 7-2021, Daikan triển khai phương án người lao động lưu trú tại công ty để duy trì sản xuất. Lúc đầu, công ty gặp khó khăn vì đơn vị cung ứng suất ăn bữa sáng cho người lao động dừng hoạt động. Vì thế, DN phải vất vả tìm thêm các đơn vị cung ứng khác để đảm bảo nguồn thực phẩm, suất ăn cho người lao động trong công ty”.

Nhiều DN thông qua Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tìm thêm một số cơ sở cung ứng thực phẩm khác để ký hợp đồng, tránh trường hợp rủi ro, trở tay không kịp.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ: “Những ngày đầu tỉnh mới thực hiện giãn cách xã hội, nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn, công ty phải tìm  mua thực phẩm từ nhiều nơi dự trữ 3-4 ngày để tránh tình trạng thiếu thực phẩm nấu ăn cho công nhân đang thực hiện lưu trú tại nhà máy”.

Hiện nay, chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho các DN trong và ngoài khu công nghiệp đã được kết nối, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp nếu xuất hiện ca nhiễm bệnh SARS-CoV-2 sẽ phải tạm dừng hoạt động, hoặc thiếu lao động vận chuyển hàng hóa; khu vực sản xuất rau củ quả, chăn nuôi có ca F0 phải phong tỏa... khiến việc cung cấp thực phẩm rất dễ gián đoạn. Vì thế, các DN đang duy trì hoạt động sản xuất cần nhiều đầu mối kết nối cung ứng lương thực và thực phẩm.

* Kết nối thêm các nguồn cung

Hiện nay, Sở Công thương đã công bố rộng rãi hơn 10 công ty, trung tâm, siêu thị, HTX có thể cung ứng những thực phẩm thiết yếu cho DN trên địa bàn tỉnh với số lượng lớn. Do đó, DN gặp khó khăn về nguồn cung suất ăn công nghiệp, thực phẩm có thể liên hệ trực tiếp với Sở Công thương để được giới thiệu tìm nhà cung ứng mới.

Bên cạnh đó, 3 tổng công ty lớn của Đồng Nai là: Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) cũng tham gia hỗ trợ các DN kết nối với những công ty bán thực phẩm.

Ông Trần Đăng Ninh, Phó tổng giám đốc Dofico cho hay: “Ngoài tham gia mở các điểm bán hàng bình ổn giá cho người dân tại TP.Biên Hòa, Dofico sẽ làm cầu nối để các DN có nhu cầu tìm những đơn vị cung ứng thực phẩm khác. Như vậy, DN trên địa bàn tỉnh có thể mua được nguồn hàng rau củ quả, thịt cá giá gốc, giảm nhiều chi phí và không lo thiếu thực phẩm cho người lao động trong các nhà máy”.

Theo ông Trần Trung Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây do Công ty CP Bất động sản Thống Nhất (thuộc Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa) làm chủ đầu tư. Hiện nguồn cung rau củ quả từ chợ này khá dồi dào nên các DN tham gia bán hàng bình ổn giá hoặc các DN thực hiện “3 tại chỗ” cần đối tác cung cấp những mặt hàng trên sẽ được kết nối với các tiểu thương tại chợ. Đây là chợ đầu mối nên nguồn hàng đa dạng và có thể đáp ứng số lượng rất lớn.

Sở Công thương đã liên hệ với một số công ty ở miền Tây Nam bộ có khả năng cung ứng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm/ngày khi các DN “3 tại chỗ” cần. “Sở Công thương đã trao đổi với 3-4 công ty chuyên kinh doanh về lương thực ở tỉnh Long An và một số tỉnh khác, họ đã thống nhất có thể bán cho các DN ở Đồng Nai hàng chục tấn gạo/ngày. Ngoài ra, Sở cũng kết nối với những trang trại, HTX trên địa bàn tỉnh để có sản lượng lớn rau củ quả, trứng, thịt heo, gà, vịt, cá bán cho các công ty” - Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc nói.

Hương Giang

Tin xem nhiều