Do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều gói thầu xây dựng tại các dự án đầu tư công phải tạm ngưng, nên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh kiến nghị giãn tiến độ, giảm tỷ lệ giải ngân...
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều gói thầu xây dựng tại các dự án đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai phải tạm ngưng thi công. Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có văn bản kiến nghị giãn tiến độ, giảm tỷ lệ giải ngân vốn đối với các gói thầu này.
Hạng mục xây dựng cầu An Hòa 2, dự án Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) hiện vẫn đang phải tạm dừng thi công (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Phạm Tùng |
* 50% số gói thầu phải dừng thi công hoàn toàn
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh là đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách do UBND tỉnh giao kế hoạch trên địa bàn Đồng Nai.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, hiện có 57 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng số gồm 72 gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt gói thầu đã buộc phải ngưng thi công hoàn toàn.
“Thống kê ban đầu cho thấy, có 36 gói thầu thuộc các dự án đang phải dừng thi công. Con số này có thể tăng thêm do có một số gói thầu cũng đã tạm dừng thi công nhưng chưa kịp cập nhật số liệu” - ông Ngô Thế Ân thông tin. Về nguyên nhân phải tạm dừng các gói thầu tại các dự án, ông Ngô Thế Ân cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung vật tư, vật liệu, nguồn nhân - vật lực phục vụ thi công bị gián đoạn.
Cụ thể, theo chủ trương của tỉnh, các dự án trọng điểm, các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công vẫn được phép duy trì thi công trong thời gian triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Điều kiện để duy trì thi công là các nhà thầu phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, trên thực tế việc duy trì thi công gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến phải tạm dừng các gói thầu.
Đơn cử như việc cung ứng một số vật tư, nguyên liệu, trang thiết bị cho các dự án lại không nằm ở địa bàn thực hiện dự án mà phải mua từ các địa phương khác. Do đó, việc cung ứng bị tắc nghẽn do các địa phương cũng đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Một số mặt hàng thiết bị phải đặt mua từ nước ngoài cũng không thể cung cấp về các dự án dẫn đến phải ngưng thi công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, ngoài những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và việc thực hiện giải ngân nguồn vốn. |
“Các cơ sở kinh doanh vật liệu, trang thiết bị vật tư nằm trong vùng giãn cách xã hội nên trong khoảng 2 tháng vừa qua, tất cả những đại lý này đều đóng cửa. Các nhà thầu dù đã có nhiều giải pháp xoay xở nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế” - ông Ngô Thế Ân cho biết thêm.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và người lao động sinh sống tại các “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” cũng không thể đến công trường làm việc khiến cho các dự án cũng bị thiếu hụt nguồn nhân lực.
Xuất phát từ thực tế trên, nhiều nhà thầu đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh xin giãn tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Từ đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng thi công và giãn tiến độ đối với một số gói thầu bị ảnh hưởng, thời gian cụ thể được xem xét tùy theo từng gói thầu.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh giảm tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đến hết quý III-2021 do các gói thầu phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thi công. “Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc về giải ngân vốn đầu tư công quý II-2021, đến hết quý III các đơn vị phải giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện tỷ lệ giải ngân vốn được giao của đơn vị chỉ mới đạt hơn 32%” - ông Ngô Thế Ân cho hay.
* Khó xem xét giảm tỷ lệ giải ngân nguồn vốn
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, đối với đề xuất tạm dừng thi công và giãn tiến độ đối với một số gói thầu bị ảnh hưởng, ngày 23-8, Bộ Xây dựng có văn bản về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng. Trong đó hướng dẫn về việc thi công các công trình nói chung và công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Ngày 31-8, Sở Xây dựng có văn bản triển khai thực hiện văn bản của Bộ Xây dựng gửi đến các đơn vị liên quan, trong đó có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. Do đó, để xử lý việc tạm dừng thi công và giãn tiến độ đối với một số gói thầu bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 chung trong toàn tỉnh, Sở KH-ĐT đã đề xuất UBND tỉnh giao Sở Xây dựng xem xét kiến nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.
Đối với đề xuất giảm tỷ lệ giải ngân đến hết quý III-2021 xuống dưới mức 60% kế hoạch được giao, ông Hồ Văn Hà cho rằng, chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Về phía tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đã có kết luận về chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 60% kế hoạch vốn được giao đến cuối quý III-2021 tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công quý II-2021.
“Đây là chính sách chung của cả nước phải thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nên cần phải nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Sở KH-ĐT không có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo kiến nghị giảm tỷ lệ giải ngân nguồn vốn” - ông Hồ Văn Hà cho biết.
Phạm Tùng