Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động sản xuất vụ đông xuân

09:10, 10/10/2021

Các địa phương của Đồng Nai đang triển khai xuống giống cho vụ đông xuân năm 2021-2022. Trong tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn như: giá vật tư đầu vào tăng, đầu ra bất ổn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất lợi về thời tiết, rủi ro dịch bệnh cao, nông dân đã chủ động xuống giống sớm, điều chỉnh sản xuất, chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng để có vụ mùa thắng lợi.

Các địa phương của Đồng Nai đang triển khai xuống giống cho vụ đông xuân năm 2021-2022. Trong tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn như: giá vật tư đầu vào tăng, đầu ra bất ổn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất lợi về thời tiết, rủi ro dịch bệnh cao, nông dân đã chủ động xuống giống sớm, điều chỉnh sản xuất, chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng để có vụ mùa thắng lợi.

Nông dân trồng lúa tại H.Vĩnh Cửu chuyển đổi từ giống lúa thường sang trồng các giống lúa thơm có giá trị cao hơn. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân trồng lúa tại H.Vĩnh Cửu chuyển đổi từ giống lúa thường sang trồng các giống lúa thơm có giá trị cao hơn. Ảnh: B.Nguyên

Để hạn chế rủi ro về thời tiết, đồng thời thu lợi nhuận tốt hơn, nông dân áp dụng nhiều mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, trồng lúa kết hợp nuôi cá hoặc chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng bắp và hoa màu.

* Đảm bảo nguồn cung gạo

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ đông xuân 2021-2022 đạt trên 39,5 ngàn ha. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng cây lúa là khoảng 20,3 ngàn ha, còn lại là cây bắp, mì, rau màu các loại.

Theo nông dân trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, thời tiết khá thuận lợi hơn cho sản xuất. Vụ hè thu, nông dân trúng mùa lúa, nhiều cây trồng hằng năm khác cũng đạt năng suất tốt. Đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ đông xuân luôn là vấn đề được nông dân quan tâm. Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho biết, công tác thủy lợi luôn đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo kế hoạch, chưa để xảy ra tình trạng thiếu nước tưới và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 134 công trình thủy lợi đang hoạt động, trong đó có 18 hồ chứa, 56 đập dâng. Trước mùa mưa bão, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đã hoàn thành việc duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi. Chủ động rà soát quy trình vận hành, phương án bảo vệ, phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa nước để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn công trình và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tính đến nay, các hồ chứa căn bản đã tích đủ nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong những tháng cuối năm.

Tuy Đồng Nai không phải là địa phương có thế mạnh về lúa gạo và cây lúa cũng không phải là cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng với diện tích gieo trồng hiện nay, sản xuất lúa đảm bảo nguồn cung cho người dân trong tỉnh.

Cụ thể, ước tổng diện tích lúa gieo trồng cả năm trên địa bàn tỉnh đạt gần 54,7 ngàn ha, với tổng sản lượng lúa cả năm đạt gần 319 ngàn tấn/năm, tương đương cung cấp được gần 26,6 ngàn tấn/tháng. Trong khi đó, nhu cầu gạo tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 19,5 ngàn tấn. Như vậy, sản xuất lúa của Đồng Nai hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.

* Tăng hiệu quả sản xuất

Bước vào vụ đông xuân, nông dân đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nặng nề nhất là giá vật tư đầu vào tăng cao. Do đó, nông dân quan tâm thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ cao tiết kiệm chi phí sản xuất, trồng lúa kết hợp nuôi cá... để tăng lợi nhuận trong sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khải, nông dân tại xã Phú Điền (H.Tân Phú) chia sẻ, đây là vùng đất trũng nên vào cao điểm mùa mưa vùng ruộng lúa thường bị ngập nước. Từ nhiều năm nay, gia đình ông thực hiện mô hình xen canh trồng lúa và nuôi cá đồng chứ không tập trung chỉ trồng lúa như trước.

Theo đó, ông Khải đắp bờ ruộng cao hơn, thả cá nuôi trong ruộng lúa vào những tháng cuối năm. “Nuôi cá giúp đất ruộng phì nhiêu hơn nên lúa có năng suất cao. Cá đồng được nuôi như ngoài tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ngoài đồng như: gốc rạ sau gặt nảy mầm cùng những rơm rạ, cỏ dại... nên tiết kiệm được chi phí thức ăn” - ông Khải nói.

Chia sẻ về giải pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất cây hằng năm, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho biết, việc sử dụng giống mới là giải pháp được nông dân quan tâm thực hiện. Hiện các xã viên đều sử dụng các giống lúa đặc sản như ST24, ST25 thay các giống lúa thường; trong trồng bắp, nông dân cũng sử dụng giống mới trồng bắp lấy cây làm thức ăn cho đại gia súc với thời gian thu hoạch ngắn hơn, lợi nhuận cao hơn...

Ngoài ra, chuyển đổi canh tác lúa, rau, cây ăn trái theo hướng hữu cơ đang là giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, được nông dân nhân rộng hiện nay. Ông Quang nhận xét: “Nông dân tận dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như rơm, thân bắp kết hợp với phân chuồng trong chăn nuôi để tự làm phân bón, làm thuốc vi sinh trong phòng trừ sâu bệnh... Nhóm giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vật tư đầu vào mà sản phẩm làm ra cũng đạt chất lượng an toàn, không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn đạt tiêu chuẩn xuất vào những thị trường khó tính”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều