Lấy dẫn chứng các dự án xây dựng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường rút ngắn được thời gian thi công, quy trình thực hiện giải ngân nguồn vốn nhanh, Giám đốc Sở KH-ĐT HỒ VĂN HÀ cho rằng công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà |
Lấy dẫn chứng các dự án xây dựng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường rút ngắn được thời gian thi công, quy trình thực hiện giải ngân nguồn vốn nhanh, Giám đốc Sở KH-ĐT HỒ VĂN HÀ cho rằng công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 60%
* Ông đánh giá như thế nào về kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
- Đến ngày 30-11-2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt trung bình khoảng 60%. Đây là kết quả không đạt như kỳ vọng dù tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
* Ông có thể phân tích những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp?
- Về nguyên nhân khách quan khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn đạt thấp là do thời gian Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 khá dài, hơn 4,5 tháng. Thời gian này, các dự án đầu tư công phần lớn chỉ thi công cầm chừng, có dự án phải tạm dừng thi công. Khi trở lại trạng thái bình thường mới thì những dự án đầu tư công mới được khởi động lại. Tuy nhiên, khi thi công lại thì các nhà thầu lại gặp khó khăn về nguồn nhân công. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trong thời gian giãn cách xã hội không thể thực hiện được. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Một nguyên nhân khách quan nữa là năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, đến cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh mới được Chính phủ giao chính thức một số kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan khiến một số dự án có khối lượng giải ngân chưa được nhiều.
* Vậy những nguyên nhân chủ quan là gì, thưa ông?
- Về nguyên nhân chủ quan, đây là những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn đạt thấp.
Thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Công tác bồi thường hiện nay đã cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Còn nhiều dự án thực hiện chậm công tác bồi thường, kéo dài nhiều năm trên địa bàn TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và một số địa phương. Do chúng ta chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nên không thể giải ngân được nguồn vốn.
Thứ hai là tính chuyên nghiệp, chủ động của các Ban quản lý dự án trong công tác phối hợp để triển khai dự án chưa cao. Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ hơn sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như công tác đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế. Bởi khi chúng ta lựa chọn được những đơn vị tư vấn, thiết kế tốt thì có sản phẩm tốt, khi trình thẩm định các cơ quan thẩm định sẽ không mất nhiều thời gian để yêu cầu chỉnh sửa.
Ở Đồng Nai có làn sóng đầu tư FDI, theo quan sát của chúng tôi, các nhà đầu tư nước ngoài thường có tính chuyên nghiệp trong quản lý đầu tư. Họ thường rút ngắn được thời gian thi công, có tính chuyên nghiệp trong quản lý dự án. Từ đó, chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công nhiều dự án FDI rất tốt. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư của họ khá chuyên nghiệp.
Trách nhiệm của đơn vị thực hiện là yếu tố quyết định
* Thưa ông, trong khi phần lớn các chủ đầu tư, các địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp thì có địa phương như TP.Biên Hòa lại có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt cao. Ông đánh giá như thế nào khi trong cùng điều kiện nhưng có đơn vị giải ngân nguồn vốn tốt nhưng có đơn vị giải ngân nguồn vốn còn chậm?
- Qua kết quả báo cáo của các địa phương thì hiện nay cũng còn rất nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp hơn 60%. Trong khi đó, TP.Biên Hòa hiện đã giải ngân đạt 100% nguồn vốn ngân sách thành phố. Qua khảo sát có thể nhận xét rằng tính tập trung, thống nhất trong chỉ đạo của cấp ủy và UBND các địa phương để các đơn vị thực hiện công tác xây dựng cơ bản ở cấp huyện như: Phòng Tài chính, TN-MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất là rất quan trọng. Nếu như có sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp tốt giữa các cơ quan đồng thời làm tốt công tác đối thoại, công tác Dân vận thì chúng ta rút ngắn được thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, khi chúng ta nghiêm túc chọn lựa những đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án, lập bản vẽ thi công tốt thì chúng ta cũng rút ngắn được thời gian thẩm định để sớm tổ chức thực hiện đấu thầu, thi công và đưa công trình vào sử dụng. Điều này giúp cho hiệu quả kinh tế của các dự án tăng lên. Đúc kết lại đó vẫn là trách nhiệm của các đơn vị tổ chức thực hiện trong quy trình xây dựng cơ bản và trách nhiệm của người “chỉ huy” về xây dựng cơ bản.
Dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt là một trong những công trình dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện vẫn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng |
* Trong các đề xuất đối với UBND tỉnh để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Sở KH-ĐT cũng nhấn mạnh đến việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thực hiện các dự án. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?
- Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ đánh giá thi đua cuối năm của các đơn vị chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố trong đó lấy chỉ số giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cũng như người đứng đầu của các đơn vị này. Tôi cho rằng việc làm này vẫn là “thước đo” chính xác nhất trong công tác điều hành đầu tư xây dựng cơ bản.
* Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm 2021, ông đánh giá như thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu đã được điều chỉnh là giải ngân đạt từ 90% trở lên nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh?
- UBND các huyện, thành phố đều cam kết giải ngân nguồn vốn đạt từ 90-95%, riêng H.Định Quán đạt từ 85-86%. Qua tổng hợp như vậy thì mặt bằng chung của tỉnh là chúng ta phấn đấu giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương do tỉnh và huyện giao chỉ tiêu kế hoạch sẽ đạt từ 90% trở lên. Riêng nguồn vốn trung ương do yếu tố khách quan là chúng ta không thực hiện dự án thành phần xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành cộng với số tiền tiết kiệm được trong công tác đấu thầu là hơn 4 ngàn tỷ đồng. Số vốn này chúng ta không thực hiện giải ngân. Do đó, mục tiêu giải ngân đạt từ 90% trở lên sẽ không thực hiện với nguồn vốn ngân sách trung ương mà chúng ta chỉ giải ngân theo số liệu thực tế.
* Xin cảm ơn ông!
“Nhiều đơn vị chọn đơn vị tư vấn thiết kế không đạt yêu cầu hồ sơ tư vấn thiết kế nên khi trình cho các sở chuyên ngành thẩm định không đạt. Không đạt thì yêu cầu chỉnh sửa mất nhiều thời gian, dẫn đến công tác chuẩn bị hồ sơ dự án bị chậm” - ông Hồ Văn Hà cho biết. |
Phạm Tùng (thực hiện)