Theo quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng hồ Đá Vàng ở 2 xã Tân Hiệp và Phước Bình (H.Long Thành) với diện tích 280ha.
Theo quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng hồ Đá Vàng ở 2 xã Tân Hiệp và Phước Bình (H.Long Thành) với diện tích 280ha. Tuy nhiên, khi cập nhật đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, lại có nhiều ý kiến trái chiều về xây dựng hồ Đá Vàng.
Con suối nằm trên địa bàn xã Phước Bình (H.Long Thành) sẽ bổ trợ nguồn nước cho hồ Đá Vàng khi được xây dựng. Ảnh: K.Minh |
Căn cứ Quyết định số 4525/QĐ-UBND của UBND tỉnh vào ngày 29-12-2016, hồ Đá Vàng thuộc dự án Hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới cho 2 xã Tân Hiệp, Phước Bình. Trong đó, bao gồm công trình hồ Đá Vàng, Trạm bơm hồ Đá Vàng và giai đoạn đầu tư là 2021-2025 với tổng vốn ước tính khoảng 300 tỷ đồng.
* Đề xuất giảm diện tích
Năm 2016, hồ Đá Vàng được đưa vào quy hoạch thủy lợi của tỉnh với mục tiêu cung cấp nước tưới cho 1,3 ngàn ha cây trồng của các xã Phước Bình, Tân Hiệp. Hồ Đá Vàng dự tính có dung tích khoảng 5,2 triệu m3 và diện tích lưu vực của hồ khoảng 70km2. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, H.Long Thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, ngày 24-11-2021, huyện đã có Văn bản số 13219/UBND-NN đề xuất UBND tỉnh cho điều chỉnh diện tích sử dụng đất của hồ giảm 210ha, vì nhu cầu phục vụ tưới chỉ còn gần 7% so với dự tính ban đầu. H.Long Thành có tính toán sơ bộ công trình hồ Đá Vàng khi giảm xuống 70ha sẽ có dung tích 1,05 triệu m3, diện tích lưu vực hồ vẫn giữ nguyên. Khi xây dựng xong, hồ Đá Vàng cung cấp nước tưới cho 90ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt khoảng 1,8 ngàn m3/ngày đêm.
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho hay: “Quan điểm của Sở NN-PTNT là vẫn giữ nguyên diện tích hồ Đá Vàng như quy hoạch đã được UBND tỉnh đã phê duyệt từ năm 2016. Bởi xây dựng hồ trữ nước ngoài phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp còn có tác dụng giúp nguồn nước ngầm ổn định, ít bị sụt giảm, tạo cảnh quan môi trường, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp”.
Cũng theo ông Việt, nếu giảm quy mô hồ Đá Vàng thì buộc phải có nguồn dự trữ nước khác tương ứng thay thế để tránh bị thiếu hụt nguồn nước trong tương lai. Khi quy hoạch hồ Đá Vàng, ngành Nông nghiệp đã tính toán kỹ việc cân bằng nguồn nước đến năm 2035. Trong phát triển kinh tế - xã hội không thể thiếu nguồn nước, đặc biệt khu vực Long Thành sau này sẽ có công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển và dân số tăng cao, nhu cầu sử dụng nước sẽ rất lớn.
Liên quan đến việc quy hoạch hồ Đá Vàng, Phó chủ tịch UBND xã Phước Bình Đồng Thị Hạnh chia sẻ: “Xã có hơn 1,4 ngàn ha cây trồng nhưng chủ yếu là mì và cao su, nhu cầu về nước tưới không cao. Tuy nhiên, trên địa bàn xã đã được quy hoạch phát triển thêm Khu công nghiệp Phước Bình 2, dự án nhà ở xã hội, khu thương mại dịch vụ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên người dân từ nơi khác về sinh sống ngày một nhiều, nhu cầu về nước sinh hoạt, công nghiệp trong những năm tới sẽ tăng cao. Do đó, việc làm hồ trữ nước để phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp rất cần thiết, vì hiện người dân vẫn đang sử dụng nước ngầm”.
* Tính toán đường dài
Theo một số chuyên gia trên lĩnh vực quy hoạch, trong quy hoạch sử dụng đất cần tính toán sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để phân bổ quỹ đất cho từng lĩnh vực, thực hiện các dự án cho phù hợp. Những năm gần đây, nguồn nước mặt, nước ngầm bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Vì thế, quy hoạch đất đai để đầu tư xây dựng các hồ chứa nước là rất cần thiết, không chỉ tính trong phạm vi 5-10 năm tới mà phải xa hơn nữa, từ 20-30 năm sau.
Giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ giảm hàng chục ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp để chuyển mục đích sang đất công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất ở… Nhưng tất cả các lĩnh vực trên đều cần có nguồn nước sạch ổn định để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Đất đai tại Đồng Nai ngày càng có giá, nếu quy hoạch dự án triển khai chậm vốn sẽ đội lên rất cao. Đơn cử như đất nông nghiệp xã Phước Bình 4 năm trước có giá 2,5 tỷ đồng/ha, nhưng hiện đã tăng lên gấp 2 lần. Thực hiện dự án xây dựng hồ phải thu hồi đất của nhiều người dân, số tiền bồi thường rất lớn, từ vài trăm tỷ đến trên một ngàn tỷ đồng, trong khi vốn ngân sách nhà nước có hạn, còn nhiều dự án, công trình cấp bách cần thực hiện. Đây là bài toán khó cho địa phương và tỉnh trong việc quy hoạch, thực hiện các dự án hồ chứa nước.
Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết: “Lúc đầu huyện đề xuất giảm diện tích hồ Đá Vàng trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, nhưng sau đó có nhiều ý kiến trái chiều nên đã rà soát, tính toán lại. Hiện H.Long Thành đã thống nhất sẽ giữ nguyên diện tích hồ như quy hoạch thủy lợi của UBND tỉnh. Sau này, khi hồ được xây dựng xong có thể chuyển mục đích sử dụng từ cấp nước tưới cho nông nghiệp sang cấp nước sinh hoạt, công nghiệp”.
Mới đây, trong cuộc họp thẩm định quy hoạch sử dụng đất H.Long Thành giai đoạn 2021-2030, nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét giảm diện tích hồ Đá Vàng. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thực hiện dự án hồ chứa nước cần nhiều diện tích đất, vốn lớn nhưng H.Long Thành cần xem xét giữ lại nguyên hiện trạng để triển khai trong những năm tới. Dự trữ nguồn nước ngọt là rất quan trọng cho tương lai vì góp phần đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội được bền vững.
Trong phân kỳ đầu tư và dự toán kinh phí thực hiện các dự án quy hoạch thủy lợi trên địa bàn H.Long Thành giai đoạn 2021-2025 khoảng 324 tỷ đồng. H.Long Thành dự tính sẽ triển khai 5 dự án thủy lợi lớn trong giai đoạn này là: Hệ thống thủy lợi phục vụ nước tưới 2 xã Tân Hiệp, Phước Bình, bao gồm công trình hồ Đá Vàng, trạm bơm hồ Đá Vàng; Hệ thống kênh hồ Cầu Mới; Nạo vét suối Bàu Tre - Sa Cá; Nạo vét suối Sa Cá - sông Nhạn; Sửa chữa nâng cấp kênh đập Bàu Tre. |
Khánh Minh