Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao "thoát lệ thuộc" trong xuất khẩu?

09:03, 07/03/2022

"Phụ thuộc doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm" là 3 yếu tố được coi là hạn chế của xuất khẩu Việt Nam từ trước đến nay. Các chuyên gia kinh tế gọi sự lệ thuộc này là "thế chân kiềng trong hạn chế về xuất khẩu".

“Phụ thuộc doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm” là 3 yếu tố được coi là hạn chế của xuất khẩu Việt Nam từ trước đến nay. Các chuyên gia kinh tế gọi sự lệ thuộc này là “thế chân kiềng trong hạn chế về xuất khẩu”.

Đầu tiên, DN có vốn đầu tư trong nước hiện đang áp đảo về số lượng, song trong tỉ trọng xuất khập khẩu, DN FDI vẫn chiếm phần lớn. Tình trạng này đã tái diễn nhiều năm nay. Ví dụ trong ngành gỗ, số lượng DN FDI trong ngành chỉ chiếm 15% trên tổng số DN, song tỉ trọng xuất khẩu lại chiếm đến 48% kim ngạch của mặt hàng này và 85% số DN trong nước “chia nhau” 52% còn lại.

Tương tự, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 là 668,5 tỷ USD thì khối DN FDI đóng góp tới 465,6 tỷ USD, chiếm 69,6% (nguồn tham khảo: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn).

Nhìn lại “chặng đường” gần 10 năm qua có thể thấy nhóm DN FDI gần như chiếm áp đảo về tỉ trọng xuất khẩu với con số xoay quanh 70% tổng kim ngạch. Mức chung cả nước cũng tương tự với tỉ trọng “đo” được tại các địa phương mạnh về xuất khẩu. Chẳng hạn nhiều năm nay, tỉ trọng của nhóm DN FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai gần như luôn dao động ở mức trên dưới 70%, mặc cho bao nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu của nhóm DN có vốn đầu tư trong nước.

Tương tự, nhiều năm nay, Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi sự lệ thuộc về nguyên phụ liệu nhập khẩu. Mặc dù vài năm gần đây, cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng cũng bắt đầu xuất siêu, song rất nhiều nhóm hàng hóa, nguyên phụ liệu quan trọng vẫn gần như lệ thuộc hoàn toàn vào các nguồn nhập khẩu. Có thể “điểm mặt” những nhóm hàng hóa này: sắt thép, xăng dầu, nguyên phụ liệu may mặc, linh kiện điện tử, máy móc, hóa chất, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… Và khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do, có vẻ như sự lệ thuộc này càng tăng lên chứ không giảm xuống. Điều này khiến DN trong nước rất khó chủ động về sản xuất, đặc biệt ở những giai đoạn khó khăn chung như chiến tranh, dịch bệnh.

Sự lệ thuộc cuối cùng khá quan trọng của xuất khẩu Việt Nam là lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống, xét cả về nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc… hiện đang áp đảo mọi quốc gia còn lại về tỉ trọng trong cơ cấu xuất khập khẩu Việt Nam. Các nỗ lực khai thác thị trường mới hay “len lỏi” vào những thị trường ngách gần như chưa làm thay đổi cục diện này.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thay thế dần nguồn nhập khẩu, tái cơ cấu sản xuất với kỹ thuật hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đầu tư cho logistics, đầu tư mạnh chế biến nông sản, kết nối và đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nâng cao nội lực cho DN… chính là các giải pháp chính mà nhiều nhà điều hành DN, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội xuất nhập khẩu đề xuất thực hiện càng sớm càng tốt để dần thoát khỏi thể lệ thuộc “chân kiềng” như đã nêu trên.    

Vi Lâm

Tin xem nhiều