Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn tận dụng tốt các FTA cần cộng đồng doanh nghiệp mạnh

06:04, 19/04/2022

Những năm gần đây, với việc tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại, kinh tế Việt Nam đã có sự hội nhập sâu rộng với thế giới và tạo được nhiều hơn sự hiện diện trên thương trường quốc tế. Mức độ hội nhập cao thể hiện ở chỗ giá trị xuất, nhập khẩu lớn gần gấp đôi so với tổng GDP cả nước trong năm 2021.

Những năm gần đây, với việc tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại, kinh tế Việt Nam đã có sự hội nhập sâu rộng với thế giới và tạo được nhiều hơn sự hiện diện trên thương trường quốc tế. Mức độ hội nhập cao thể hiện ở chỗ giá trị xuất, nhập khẩu lớn gần gấp đôi so với tổng GDP cả nước trong năm 2021.

Đối với xuất khẩu, năm qua, cả nước xuất hàng hóa trị giá hơn 336 tỷ USD ra thế giới, tăng 19% so với năm trước, điều đó thể hiện được việc tiếp cận và tranh thủ những cơ hội mà các FTA mang lại trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế, trong xuất khẩu, khu vực kinh tế bản địa chỉ đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch, trong khi khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp tới 70%. Bước đầu có thể thấy các DN FDI khai thác tốt hơn DN Việt. Đây là thực tế mà trong thời gian tới vẫn còn diễn ra và chưa thể sớm khắc phục được. Điều này cũng đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý, Chính phủ trong việc điều hành, phát triển thực lực nội sinh của DN Việt. Bởi, chỉ có thể gầy dựng thực lực của đất nước khi có đội ngũ DN mạnh, sản phẩm “thiết kế, chế tạo” từ Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều so với sản phẩm gia công ở Việt Nam; thương hiệu và công nghệ lõi là nhiệm vụ lâu dài đặt ra trong chiến lược phát triển DN của đất nước.

FTA thuận lợi hơn trên trường quốc tế nhưng ở góc độ phản chiếu lại, nỗi lo mất thị trường nội vào tay hàng ngoại là điều hiện hữu. Suy cho cùng, các thỏa thuận thương mại đều là cuộc chơi sòng phẳng, vì lợi ích của các bên liên quan. Theo các thỏa thuận này, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu được giảm thuế, có loại chỉ còn 0% thì ngược lại hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng được giảm có loại chỉ còn 0%; sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà là vô cùng lớn.

Trong khi đó, cộng đồng DN Việt đang dần tới cột mốc 1 triệu, song nhìn chung đông mà chưa mạnh, 90% DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Những DN này yếu thế trên thương trường và yếu thế luôn trong cả việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Có lúc, có nơi họ lại trở thành đối tượng chính của vấn nạn nhũng nhiễu, làm khó của một số cán bộ tha hóa. Việc bảo vệ DN cả các tổ chức, hiệp hội dù đã có nhưng tiếng nói chưa mạnh.

Trong một sân chơi sòng phẳng như thế, để không “hụt hơi”, chỉ có con đường duy nhất là DN Việt phải “lớn lên, trưởng thành”. Nhưng ngoài nỗ lực của DN thì sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, thông thoáng hơn nữa là điều mà cộng đồng DN luôn mong muốn.

Văn Gia

Tin xem nhiều