Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước ổn định trở lại, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp (DN) tăng lên là cơ hội để ngành vận tải hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn.
Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước ổn định trở lại, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp (DN) tăng lên là cơ hội để ngành vận tải hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn.
Xăng dầu là mặt hàng chiếm chi phí lớn trong chi phí đầu vào của ngành Vận tải. Ảnh: V.Gia |
Kỳ vọng vào sự phục hồi nhưng trên thực tế, dù đã hồi phục được chút đỉnh thì ngành vận tải vẫn chưa hết khó khăn bởi tác động từ giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây.
* Lợi nhuận gần như bằng không
Trong lĩnh vực vận tải hành khách, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất Nguyễn Xuân Thiện cho hay, đơn vị có hàng trăm phương tiện của các xã viên kinh doanh vận tải khách. Việc kinh doanh vận tải khách 2 năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 có lúc tưởng chừng như sẽ cuốn phăng mọi thành quả của mình. Nhiều xã viên đã “đắp chiếu” xe hoặc buộc phải sang nhượng lại.
“Do dịch bệnh, rất nhiều phương tiện của chúng tôi đã tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài. Không chỉ nhu cầu của DN suy giảm mà người dân cũng ngày càng ít đi xe buýt hơn. Khi tình hình ổn hơn chút thì giá xăng dầu liên tục tăng, lượng khách đi xe buýt đã sụt giảm rất lớn, may mà vẫn còn xe đưa rước công nhân. Chúng tôi đang phải suy nghĩ làm sao để đa dạng hóa ngành nghề, bởi nếu không sẽ khó tồn tại, phát triển” - ông Thiện cho biết.
Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm. Ngày 25-5, thảo luận tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân thẳng thắn đề nghị: “Xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng bình thường, trong tình hình hiện nay, không lý gì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nữa. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội”. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu không kiểm soát được giá xăng, dầu có thể dẫn tới “hiệu ứng domino” trong giá cả các mặt hàng khác. Trong cơn “bão giá” liên tục như hiện nay, cần phải kiểm soát chặt giá cả, đặc biệt là xăng, dầu. |
Tương tự, ông Hà Ngọc Dũng, đại diện Công ty CP Thông quan Việt Đức, DN chuyên cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ logistics ở Đồng Nai và vùng lân cận, cũng nhận định công việc kinh doanh đang gặp khó khăn bởi giá xăng dầu cùng các chi phí phát sinh khác.
Theo ông Dũng, công việc của DN vẫn nhiều nhưng lợi nhuận không ít, thậm chí là âm, bởi mỗi phương tiện trước đây chi phí nhiên liệu chỉ hơn một nửa so với hiện nay. Trong khi đó, nếu so với trước, giá cước vận tải thu của khách hàng không thay đổi nhiều.
Cục Thống kê Đồng Nai đánh giá, trong tháng 5, nhiều đơn vị vận tải hành khách đã điều chỉnh tăng giá cước vận tải do giá xăng, dầu tăng cao. 5 tháng đầu năm, doanh thu vận tải khách đạt 684,5 tỷ đồng, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2021. Khối luân chuyển hành khách cũng giảm 19,9% so với tháng 5-2021.
Đối với vận tải hàng hóa, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nguyên vật liệu tiếp tục tăng do tình hình sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất - nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Ước tính doanh thu vận tải hàng hóa 5 tháng đầu tăng 5,19% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt của hoạt động vận tải hàng hóa khi vẫn duy trì được doanh thu và sản lượng. Tuy vậy, nếu theo tốc độ tăng giá xăng, dầu như hiện nay, giá xăng, dầu chiếm đến hơn 30% chi phí đầu vào thì sự tăng trưởng này cũng chỉ “như muối bỏ biển”.
* Băn khoăn với thuế tiêu thụ đặc biệt xăng, dầu
Từ ngày 1-4, dù mỗi lít xăng, dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng giá xăng vẫn liên tục tăng cao và lập mốc kỷ lục sau kỳ điều chỉnh ngày 23-5. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 674 đồng/lít, xăng RON95 tăng 669 đồng/lít. Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng trong nước tăng, tính từ giữa tháng 4-2022 đến nay. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã có 10 lần tăng và 3 lần giảm giá. Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa đối với xăng E5 RON92 là 29.633 đồng/lít và xăng RON95 là 30.657 đồng/lít.
Theo các chuyên gia kinh tế, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Xăng, dầu đều đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội. Về nguyên tắc, đối với xăng, dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Vấn đề là mặt hàng này có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nay ngoài giá thành sản xuất, giá xăng dầu trong nước còn chịu những thuế phí khác, trong đó có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Muốn giảm gánh nặng chi phí và tháo gỡ cho DN thật sự thì cần xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm các thuế còn lại. Việc này có thể giảm thu ngân sách trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tăng thu bởi sẽ được bù lại từ thuế thu nhập DN và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN được nâng lên, từ đó giúp ổn định vĩ mô nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, cho rằng xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu hằng ngày, thuế tiêu thụ đặc biệt thì được đánh vào hàng hóa hay dịch vụ đặc biệt. Việc bỏ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi đó, người dân và DN có chi phí đầu vào giảm, dẫn đến người tiêu dùng cuối cùng hưởng được mức phí thấp nhất có thể. Còn việc cân đối tài chính quốc gia thì cần có chính sách khác bổ sung.
Văn Gia