Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt trong xu thế hội nhập các FTA thế hệ mới: Ra 'biển lớn' từ chính 'ao nhà'

11:05, 27/05/2022

Lâu nay các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường tìm cách "đánh bắt xa bờ" mà quên rằng, còn một thị trường nội địa rất rộng lớn ngay trên "sân nhà" của mình. Hay như trước đây, khi nói về hội nhập, chúng ta vẫn thường hiểu xuôi rằng việc phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa sẽ đi từ "ao làng" ra "biển lớn".

[links()]Lâu nay các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường tìm cách “đánh bắt xa bờ” mà quên rằng, còn một thị trường nội địa rất rộng lớn ngay trên “sân nhà” của mình. Hay như trước đây, khi nói về hội nhập, chúng ta vẫn thường hiểu xuôi rằng việc phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa sẽ đi từ “ao làng” ra “biển lớn”.

Lãnh đạo tỉnh tham quan showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai mới được khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 1-2022. Đây là một trong những kênh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân
Lãnh đạo tỉnh tham quan showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai mới được khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 1-2022. Đây là một trong những kênh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân

Hiện nay, khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới có hiệu lực, các hàng rào thuế quan dần bị xóa bỏ, thị trường ngày càng bình đẳng hơn… thì chúng ta cũng cần hiểu thêm theo chiều ngược lại, tức là “muốn ra biển lớn” thì trước hết DN Việt cần phải “tắm tốt ở ao ta”.

Kỳ 1: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, với việc Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới, các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia sẽ “đổ bộ” vào thị trường trong nước nhiều hơn. Lúc đó, nhiều nhóm ngành hàng vốn từng được xem là thế mạnh của hàng Việt có nguy cơ dần mất đi thị phần và lợi thế cạnh tranh.

Vì vậy, trong giai đoạn này, nếu các DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn cứ chậm chận trong việc đổi mới công nghệ, bảo hộ thương hiệu, phát triển các kênh phân phối, tiếp thị theo hướng chuyên nghiệp, “có lớp có lang” thì… nguy cơ bị mất thị phần sân nhà sẽ ngày càng hiện hữu.

* Vẫn còn tư duy “bóc ngắn cắn dài”

Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và dần được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, các thương hiệu Việt dù đã có nhiều tiến bộ về chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở một số thương hiệu lớn, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn khoảng 90% số lượng DN trong nước còn tồn tại nhiều điểm cần được khắc phục như: nguồn vốn hạn chế, nhiều thương hiệu non trẻ; chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn; phát triển còn manh mún “bóc ngắn cắn dài”, thiếu kinh nghiệm về dự báo, tiếp cận thị trường; hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm còn yếu… Cùng với đó, hiện nhiều sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên còn thụ động khi đối mặt với những rủi ro về thị trường, tình huống bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 vừa qua, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng giá thành, hạ giá bán sản phẩm…

Trong năm vừa qua, câu chuyện về việc thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam - giống gạo từng được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới” bị một số DN nước ngoài “nhanh tay” đăng ký bảo hộ trước là bài học nhãn tiền, là hồi chuông cảnh báo về câu chuyện bảo hộ thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ dành cho các DN trong nước khi bước vào quá trình hội nhập.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM chia sẻ, qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, các DN ở địa phương, DN nhỏ và vừa là những DN dễ bị tổn thương nhất. Lý do là các DN này có quy mô vốn nhỏ, chiến lược kinh doanh ngắn hạn, không có kế hoạch dài hạn và đồng thời không có hoặc không quan tâm đến kế hoạch, chính sách ứng phó với các tình huống rủi ro tiềm ẩn như biến đổi khí hậu, thị trường khủng hoảng hay đại dịch Covid-19 như thời gian qua.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, những tồn tại cố hữu của nhiều DN địa phương, DN quy mô nhỏ và vừa là: thiếu tính định hướng, xây dựng chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh; số lượng DN định vị được thương hiệu chưa nhiều, vẫn còn trường hợp thờ ơ với việc bảo hộ thương hiệu hay chú trọng đổi mới công nghệ…

Nhiều DN trong tỉnh thừa nhận, muốn đầu tư, đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất thì đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, kỹ thuật hiện đại. Đây được xem là một trong những khó khăn lớn nhất của DN nhỏ và vừa, dễ thấy nhất là sau những tác động từ đại dịch Covid-19, khả năng xoay vòng vốn của DN gặp nhiều khó khăn.

* Bảo hộ thương hiệu - câu chuyện không của riêng ai

Trong xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là vấn đề được “nhắc đi nhắc lại” nhưng sẽ không bao giờ cũ. Thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là “tài sản vô hình” của DN, khi chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu, DN dễ có nguy cơ bị mất hoặc bị làm giả thương hiệu, nhất là khi DN đó ngày càng phát triển, sản phẩm được ưa chuộng.

Theo nhiều chuyên gia, những năm gần đây, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đang ngày càng được quan tâm hơn từ phía cộng đồng DN. Nhiều DN nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu công nghiệp nên số lượt thông qua đăng ký xác lập nhãn hiệu ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, chưa hiểu được ý nghĩa đầy đủ về sở hữu công nghiệp nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cảnh báo, nhiều DN hiện vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu nên có thể mất đi nhiều cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Đặc biệt, nếu DN còn chần chừ trong vấn đề này thì dễ có nguy cơ bị mất độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu, thậm chí không được sử dụng các “tài sản” về thương hiệu khi bị người khác đăng ký trước.

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, những hiện tượng gian lận, lẩn tránh phòng vệ thương mại hay giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn mới và tinh vi hơn gây ra nhiều ảnh hưởng cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, các vụ việc vi phạm liên quan đến phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ có nguy cơ cản trở xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở địa phương nói riêng. Đặc biệt, các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN nội địa, đồng thời tác động không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với các nhóm hàng Việt.

Khi bước vào “sân chơi” hội nhập, sự góp mặt của các thương hiệu, hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc các DN trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.

Không dẫn chứng đâu xa, trong những năm qua, giá các loại đường nội phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường ngoại nhập giá rẻ, phần lớn từ Thái Lan ngay tại chính thị trường nội địa. Trước nguy cơ về việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, tháng 9-2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Hải Quân

Bài 2: Cơ hội nào cho hàng Việt thời hậu Covid-19?

Tin xem nhiều