Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong thời gian qua, nhất là vào các dịp cao điểm mua sắm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc. Đây sẽ là cơ hội để hàng Việt tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, thực phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng...
[links()]Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong thời gian qua, nhất là vào các dịp cao điểm mua sắm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc. Đây sẽ là cơ hội để hàng Việt tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, thực phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng...
Một gian hàng các sản phẩm OCOP của Đồng Nai ở Big C Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân |
* “Chất xúc tác” cho đổi mới công nghệ
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số… của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh đó, bài toán về ứng dụng, đổi mới công nghệ là một giải pháp để các doanh nghiệp (DN) trong nước vững vàng hơn trước những biến động của thị trường.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, nhiều DN ngày càng chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển theo xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng cũng như tạo nên giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương.
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay, công ty luôn chủ động tiếp cận các thông tin, kiến thức về hàng rào kỹ thuật, pháp lý liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) để có kế hoạch sản xuất, đầu tư công nghệ phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết…
Qua những tác động của dịch Covid-19, thị hiếu tiêu dùng, trải nghiệm dịch vụ của người dân có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi các DN trong nước, đặc biệt là các DN địa phương cần chủ động các phương án kinh doanh, marketing… để thích ứng trước những diễn biến của dịch bệnh, trong đó cần lưu ý đến các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp.
Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) cho biết, sau những tác động của dịch Covid-19, công ty đã chủ động tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động kích cầu tiêu dùng vào dịp này, đồng thời triển khai đưa sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của công ty vào hệ thống siêu thị, hướng tới kết nối sản phẩm với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín để phát triển kinh doanh…
* “Đòn bẩy” từ các FTA thế hệ mới
Trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Trong đó, phải kể tới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đặc biệt, từ ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn để các DN mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh đổi mới công nghệ...
Thúc đẩy xúc tiến thương mại trên môi trường số Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành giải pháp hiệu quả để hỗ trợ DN kết nối với thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là một phương thức phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế. Kết quả của hoạt động xúc tiến trên môi trường số đã giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng… |
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM chia sẻ, các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới là những đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 hay “bình thường mới”. Vấn đề là DN cần phải nắm vững và nắm rõ các điều kiện của mỗi FTA để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật, thuế quan trong mỗi hiệp định, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các FTA.
Hơn thế nữa, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, nông sản, thực phẩm, gỗ và sản phẩm gỗ… đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng theo tiến trình thực hiện các FTA, cụ thể là khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực như: CPTPP, EVFTA, RCEP…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong sân chơi hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN Việt không thể nào “giậm chân tại chỗ” mà cần chủ động thay đổi hướng tiếp cận thị trường, thay đổi tư duy về quản trị, tích cực đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp và phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đó là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên sân nhà.
* Cập nhật những xu hướng tiêu dùng mới
Nhiều DN Việt đã chủ động “đón đầu” các xu hướng tiêu dùng thời hậu Covid-19 để đưa ra những chương trình kích cầu, cải tiến mẫu mã, triển khai các combo “giỏ hàng” Việt để thu hút khách hàng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập…
Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ điều khiển tự động tại nhà máy của Công ty CP Thực phẩm GC tại Khu công nghiệp Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) |
Chị Lý Hoàng Hoài Anh, nhân viên văn phòng ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Theo tôi, dù cuộc sống ngày càng phát triển và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua sắm để nâng cao chất lượng sống nhưng việc sử dụng và ủng hộ hàng nội địa vẫn là một nét đẹp văn hóa tiêu dùng ở bất cứ đâu. Do đó, nếu hàng Việt được đầu tư chỉn chu từ chất lượng, bao bì và cân đối được giá bán thì sẽ chinh phục được rất nhiều người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, bên cạnh các cách tiếp cận truyền thống, sản phẩm hàng Việt cần chú trọng hơn vào mảng digital marketing (tiếp thị số), đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram… để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, đặt mua”.
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai nhận định, hiện nay nhiều mặt hàng Việt ngày càng chú trọng về chất lượng, tiện ích của sản phẩm, hướng đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nêu cao nhận thức về tính xanh, sạch, an toàn, tiết kiệm...
Hải Quân