Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn thì yếu tố về chất lượng, giá cả, mẫu mã, độ phủ của thương hiệu, mức độ minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng, các tiêu chí về bảo vệ môi trường xanh, sạch, có những giá trị riêng về văn hóa, nhân văn… đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên kệ hàng.
[links()]Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn thì yếu tố về chất lượng, giá cả, mẫu mã, độ phủ của thương hiệu, mức độ minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng, các tiêu chí về bảo vệ môi trường xanh, sạch, có những giá trị riêng về văn hóa, nhân văn… đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên kệ hàng.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm giày, dép thời trang tại cửa hàng tiếp thị Biti’s ở đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân |
* Chất lượng là chìa khóa tiên quyết
Để một doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đó thì việc củng cố, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu, tiêu chí chọn lựa của người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết.
Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) chia sẻ, chất lượng chính là từ khóa giúp DN phát triển tốt hơn, từ đó hướng tới cải tiến sản phẩm để đem lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, sự cạnh tranh với các thương hiệu ngoại sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, đồng thời cũng là cơ hội để các DN trong nước nhìn lại mình và không ngừng cải tiến, thay đổi, học hỏi để phát triển, ngày càng chăm sóc tốt hơn cho khách hàng khi đứng trước áp lực cạnh tranh. Triết lý kinh doanh “Nâng niu bàn chân Việt” luôn là kim chỉ nam để Biti’s vươn mình và phát triển thương hiệu trong suốt thời gian qua.
Theo đại diện Sở Công thương, nhằm giúp các DN trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, nâng cao nhận thức về hội nhập trong thời gian tới, Sở sẽ xây dựng phương án triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại theo hình thức phù hợp, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19; chủ động kết nối, cập nhật các thông tin về hội nhập, các FTA thế hệ mới. Đặc biệt, đối với đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030, Sở Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai đề án nói trên theo từng năm. Trong đó có xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chủ động mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu… |
Theo nhiều chuyên gia, với những hiệp định thương mại tự do (FTA) đi kèm các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối, để hàng Việt Nam thực sự cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập, hàng của các tập đoàn, công ty đa quốc gia… ở thị trường nội địa, cũng như hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, DN Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực phát triển theo các tiêu chuẩn hội nhập; minh bạch thông tin nguồn gốc, xuất xứ; không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu…
Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM chia sẻ, các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các DN trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh… Cùng với đó là những thách thức mà các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt ngay trên sân nhà. Ngoài ra, DN trong nước cần tích cực cập nhật những kiến thức về hội nhập, chủ động nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc, quy trình sản xuất, phân phối... để có thể tận dụng tốt hơn những lợi ích từ các FTA.
Đại diện nhiều siêu thị trong tỉnh cho biết, hiện các mặt hàng tiêu dùng khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân, trong đó các sản phẩm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, sữa, sản phẩm vệ sinh… Mẫu mã, chất lượng của hàng Việt được nâng cao rõ rệt và ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong thời gian qua
Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành của siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, hàng Việt ngày càng chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng của siêu thị. Các sản phẩm hàng Việt được bày bán ở siêu thị đã có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh hơn, cũng như có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu, thay đổi bao bì sản phẩm hiện đại, bắt mắt hơn.
* Mở rộng chuỗi sản xuất và tiêu thụ
Theo nhiều chuyên gia, một trong những điểm yếu mà lâu nay DN Việt vẫn còn mắc phải đó là thiếu tính liên kết để cùng nhau phát triển mà thay vào đó là phát triển mang tính lẻ tẻ, đơn lẻ… Điều này sẽ gặp khó khi cạnh trạnh với các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia trong bối cảnh như hiện nay.
Do đó, để nâng cao vị thế hàng Việt trên sân nhà, các DN trong nước sẽ cần tăng cường liên kết, mở rộng kết nối giao thương, các “ao ta” cần tìm cách kết nối thành những mạng lưới “sông quê” trên thị trường nội địa để chủ động hướng ra biển lớn một cách bền vững hơn.
Gian hàng quảng bá các sản phẩm địa phương của Đồng Nai trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố diễn ra vào cuối năm 2021 |
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ, hiện nay thị phần trong nước chiếm khoảng 70% doanh số của công ty. Thời gian qua, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cập nhật các sản phẩm, công ty còn chú trọng công tác truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, mở rộng các kênh bán hàng. Cùng với đó, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để tăng độ nhận diện thương hiệu của công ty đến với người tiêu dùng, đối tác…
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua sắm để nâng cao chất lượng sống. Do đó, để hàng Việt được người tiêu dùng tin tưởng và được các nhà phân phối, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử... ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên các quầy, kệ hay gian hàng trực tuyến thì đòi hỏi các kênh tiếp thị sản phẩm cần được chú trọng mở rộng hơn nữa.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - một công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, để sản phẩm được quảng bá, trưng bày ở các vị trí đẹp của các trang, sàn thương mại điện tử, thông thường tùy thuộc vào các tiêu chí như: sản phẩm có chất lượng, phản hồi tốt từ phía khách hàng; sản phẩm có hình ảnh, nội dung quảng bá phù hợp với từng chủ đề kinh doanh, khuyến mãi trong tháng của các trang, sàn thương mại điện tử; các sản phẩm nhận được nhiều lượt tương tác, đánh giá tốt từ khách hàng… Hiện nay, nhiều sản phẩm Việt, nhất là các loại đặc sản vùng miền ngày càng xuất hiện nhiều ở các vị trí đẹp trên một số sàn thương mại điện tử.
Hải Quân
Bài cuối: Từ 'ưu tiên' đến 'tin dùng' hàng Việt