Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Từ 'ưu tiên' đến 'tin dùng' hàng Việt

06:05, 30/05/2022

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chủ động đứng vững trên "đôi chân" của mình bằng quá trình đổi mới công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Qua đó, ngày càng chiếm lĩnh thị phần, nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà để người tiêu dùng trong nước quan tâm nhiều hơn, dần chuyển từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt.

[links()]Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chủ động đứng vững trên “đôi chân” của mình bằng quá trình đổi mới công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Qua đó, ngày càng chiếm lĩnh thị phần, nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà để người tiêu dùng trong nước quan tâm nhiều hơn, dần chuyển từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt.

Lãnh đạo Sở Công thương cùng đại diện các sở, ngành và đơn vị liên quan thực hiện nghi thức nhấn nút ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) vào tháng 12-2021. Ảnh: Hải Quân
Lãnh đạo Sở Công thương cùng đại diện các sở, ngành và đơn vị liên quan thực hiện nghi thức nhấn nút ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) vào tháng 12-2021. Ảnh: Hải Quân

* Từng bước mở rộng thị phần

Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người gia tăng nhanh, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến đổi, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều DN Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng ngày càng quan tâm phát triển thị phần ở thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, là một trong những DN của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động marketing và thường xuyên cập nhật mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, bên cạnh thị trường ở các tỉnh, thành phía Nam, công ty còn mở rộng thị trường ra phía Bắc. Ngoài các kênh phân phối, bán hàng truyền thống như: siêu thị, các đại lý, hệ thống cửa hàng phân phối, các quầy tạp hóa, trạm dừng chân…, công ty còn chủ động mở rộng các kênh bán hàng online để giúp khách hàng thuận tiện mua sắm và tiếp cận sản phẩm.

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, hàng Việt đã dần có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các DN trong nước cần chú trọng về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao tính thân thiện cho sản phẩm… Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, hiện trên các kệ hàng của siêu thị, tỷ lệ hàng Việt chiếm khá cao. Đặc biệt, đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm Việt, có xuất xứ trong nước chiếm hơn 90% trên kệ hàng. Nguồn cung các mặt hàng này khá ổn định, đa dạng. Mẫu mã, chất lượng của hàng Việt được nâng cao rõ rệt và ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong thời gian qua.

* Cần thêm nhiều hoạt động kết nối, quảng bá

Để từ chỗ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đến người Việt tin dùng hàng Việt đòi hỏi các DN trong nước không ngừng vận động, phát triển, đổi mới công nghệ, đồng thời cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương…

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Đồng chí CAO VĂN QUANG, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là cuộc vận động) - Ban Chỉ đạo 264 tỉnh nhấn mạnh, để triển khai thực hiện tốt cuộc vận động, trong thời gian tới, các thành viên của Ban chỉ đạo cần phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả, đa dạng các hình thức tuyên truyền về cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần rà soát, xem xét các cơ chế, chương trình khuyến khích, hỗ trợ DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa, các chủ thể OCOP của tỉnh tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, kết nối vào chuỗi cung ứng, bán lẻ hiện đại.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp…, công bố chất lượng sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số vạch đối với các sản phẩm OCOP. Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động giai đoạn 2021-2025...

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện phân tích, trên thực tế, nhiều DN dù đã xác định được chiến lược phát triển nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn để phát triển thương hiệu, đầu tư đổi mới công nghệ… Thời gian qua, các DN ở địa phương đã nỗ lực để phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng do tiềm lực của DN còn hạn chế nên nhiều DN trong số này cũng chỉ cố gắng được trong điều kiện, giới hạn nhất định. Do đó, để DN nhỏ và vừa, DN địa phương tiếp tục vươn lên và nâng cao sức cạnh tranh trên sân nhà thì bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN, rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19...

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, người tiêu dùng ngày nay càng khắt khe hơn, đòi hỏi hàng Việt phải tiệm cận về mặt chất lượng, mẫu mã với hàng hóa của khu vực và thế giới. Trong đó, bên cạnh các thương hiệu hàng Việt đã lớn mạnh, tinh thần hàng Việt cần được nhân rộng tới các DN nhỏ và vừa trong nước để vươn lên phát triển về quy mô, thương hiệu trong thời gian tới.

Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng Việt, nhất là đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương được triển khai. Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, việc ra mắt khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh hay việc ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Đồng Nai (ecdn.vn) giúp tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, từ đó kết nối, tạo thêm cơ hội để các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều hơn với khách hàng, đối tác…

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) chia sẻ, việc phát triển sàn TMĐT của Đồng Nai có sự khác biệt, đặc trưng riêng của địa phương. Đây là kênh góp phần phát triển các sản phẩm tiêu biểu, hàng hóa thế mạnh, đặc sản của Đồng Nai, đồng thời kết nối hàng hóa địa phương với các địa phương khác, tiến tới mở rộng cơ hội xuất khẩu, rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian trong hoạt động thương mại…

 Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm địa phương tại gian hàng sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Co.opmart Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm địa phương tại gian hàng sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Co.opmart Biên Hòa

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Công thương và các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch chung của giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung xúc tiến thương mại, trong đó có các hình thức trực tuyến nhằm mở rộng đối tượng DN tham gia kết nối giao thương và đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19...

Hải Quân

Tin xem nhiều