Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định: cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định: cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Đinh Ngọc Thạch (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) dùng chất thải phân loại để đổi quà. Ảnh: H.Lộc |
Quy định này hiện chưa áp dụng vì tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải còn thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng cho thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại cũng là vấn đề.
* Hầu hết rác thải chưa được phân loại
Theo quy định của pháp luật về môi trường hiện hành, hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển rác thải, đồng thời có thể bị xử phạt vi phạm với mức 15-20 triệu đồng. Quy định là vậy nhưng việc triển khai thực hiện theo đánh giá chưa khả thi.
Giám đốc HTX Dịch vụ và vệ sinh môi trường Thành Lâm (H.Trảng Bom) Vũ Duy Lâm cho rằng, quy định này rất khó thực hiện vì hầu hết rác thải ở nông thôn chưa được phân loại, nếu có chỉ gom phế liệu để bán. Rác thải xây dựng, chất thải thực phẩm, chất thải nguy hại đều bỏ chung một bọc. HTX thu gom rác từ các khu dân cư về phải đổ ra khu chứa để phân loại rồi mới chở đến nhà máy xử lý. Việc làm này khá nguy hiểm, tốn thời gian và chi phí nhưng không làm thì bị đơn vị xử lý rác xử phạt.
“Tôi chỉ mong người dân có ý thức bỏ riêng chất thải thủy tinh để công nhân vệ sinh bớt nguy hiểm. Hiện người dân ở nông thôn chưa phân loại rác. HTX cũng chưa đủ khả năng bố trí 2-3 loại xe, nhân công để thu gom chất thải phân loại” - ông Lâm chia sẻ.
Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Biên Hòa Trần Thế Vinh cho biết: “Người dân đóng phí để thu gom rác thải theo tần suất, thời gian đã thông báo, không phân biệt chất thải đã phân loại hay chưa phân loại. Trừ khi có chỉ đạo bằng văn bản của thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi mới thực hiện quy định từ chối thu gom chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định”.
Ông Đinh Ngọc Thạch (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hoà) cho rằng, trước đây khi thành phố hỗ trợ thùng, túi ny-lông để phân loại rác thì nhiều hộ gia đình thực hiện, nhưng khi hết thiết bị hỗ trợ thì việc làm này cũng kết thúc. Riêng gia đình ông vẫn duy trì phân loại chất thải nhưng vài ba tháng lại phải sắm thùng rác mới vì bị mất trộm, gây khó khăn cho việc phân loại rác tại nguồn.
* Cần lộ trình thực hiện
Bà Lê Minh Ánh, chuyên viên Vụ Chính sách, pháp chế và thanh tra (Tổng cục Môi trường) đánh giá Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đề cao trách nhiệm của chủ nguồn thải. Luật quy định cá nhân, hộ gia đình phải đóng phí rác thải theo khối lượng hoặc thể tích; phải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác thải sẽ bị từ chối thu gom, đồng thời bị phạt tiền với mức cao gấp nhiều lần so với phí phải đóng.
Các quy định trên góp phần thúc đẩy hoạt động tái chế rác thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu các hệ lụy do rác thải gây ra nhưng không dễ áp dụng, phải có quy định, lộ trình và thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng.
Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt áp dụng theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại rác là 15-20 triệu đồng. |
Theo Sở TN-MT, quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, nhưng quy định cũng hướng dẫn việc thực hiện tái chế, tái sử dụng và phân loại CTRSH tại nguồn áp dụng chậm nhất ngày 31-12-2024. Có nghĩa là tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương có thể áp dụng ở các thời điểm khác nhau.
Đồng Nai có thể áp dụng quy định xử phạt, từ chối thu gom rác thải không phân loại sớm hơn thời hạn nêu trên. Tỉnh đang hoàn thiện để ban hành đề án Quản lý CTRSH. Sau khi đề án này được ban hành, các sở, ngành liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định liên quan đến: thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt. Đồng thời, triển khai đầu tư hạ tầng như: điểm tập kết và trung chuyển chất thải, nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt.
Theo bà Quách Ngọc Bửu, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi, hiện nay phương thiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt của công ty và cộng tác viên đã được đầu tư, nâng cấp theo yêu cầu của TP.Biên Hòa, đáp ứng vận chuyển chất thải đã phân loại. Để áp dụng được quy định này cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể vai trò của từng đối tượng có liên quan như: người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế chất thải; hạ tầng điểm trung chuyển, tập kết rác thải phải chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cân nhắc tăng mức phí thu gom chất thải của cá nhân, hộ gia đình và tạo điều kiện về nguồn vốn để doanh nghiệp phát triển đội ngũ cộng tác viên, tăng tần suất thu gom, đầu tư thêm phương tiện vận chuyển.
Hoàng Lộc