Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai xuất siêu tăng mạnh

06:06, 03/06/2022

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai xuất siêu gần 2,9 tỷ USD, cao gấp gần 6 lần so với bình quân chung của cả nước. Đây là năm thứ 9 Đồng Nai xuất siêu và mỗi năm đều tăng. Dự kiến năm nay, xuất siêu của tỉnh có thể vượt ngưỡng 6 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai xuất siêu gần 2,9 tỷ USD, cao gấp gần 6 lần so với bình quân chung của cả nước. Đây là năm thứ 9 Đồng Nai xuất siêu và mỗi năm đều tăng. Dự kiến năm nay, xuất siêu của tỉnh có thể vượt ngưỡng 6 tỷ USD.

Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ. Ảnh: Hương Giang
Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ. Ảnh: Hương Giang

Theo UBND tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 10,9 tỷ USD và nhập khẩu hơn 8 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về phía Đồng Nai và bình quân mỗi tháng xuất siêu gần 580 triệu USD.

* Nhiều mặt hàng xuất siêu lớn

Hiện nay, Đồng Nai đang xuất khẩu hơn 50 nhóm hàng chính qua 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn là: giày dép; máy móc thiết bị; sản phẩm gỗ; dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy tính, linh kiện điện tử; xơ - sợi dệt. Những nhóm hàng trên có kim ngạch xuất khẩu lớn và xuất siêu hơn 4,3 tỷ USD.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, hằng năm, tỉnh đều tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ để giúp DN trên địa bàn tỉnh và những tỉnh, thành lân cận có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Qua các đợt xúc tiến thương mại, nhiều DN đã ký hợp đồng liên kết, cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, do đó xuất siêu của tỉnh mỗi năm đều tăng khá cao.

Cụ thể, giày dép trong 5 tháng đầu năm 2022 xuất siêu khoảng 1,8 tỷ USD; sản phẩm gỗ xuất siêu 844 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 500 triệu USD; máy móc thiết bị 480 triệu USD; dệt may 400 triệu USD; xơ sợi dệt 268 triệu USD...

Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) Kim Chi Hyung cho biết: “Tại Đồng Nai, Tập đoàn Hyosung chủ yếu đầu tư các nhà máy sản xuất các loại sợi xuất khẩu qua hàng chục quốc gia. Trong đó có những loại sợi, Hyosung nắm thị phần lớn trên thế giới cho nên đầu ra khá thuận lợi. Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, Hyosung đang tiến hành mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng doanh thu”.

Hiện nay, Hyosung là tập đoàn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất với hơn 1,8 tỷ USD và đây cũng là doanh nghiệp (DN) có kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu lớn của Đồng Nai.

Tương tự, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Phan Thị Thanh Trúc cho hay: “Từ đầu năm đến nay, nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng khá cao, có những loại gỗ tăng 30-60% so với năm 2021. Do đó, công ty đã đàm phán lại với các khách hàng nước ngoài dùng các loại gỗ khác có sẵn tại Việt Nam để thay thế. Nhiều khách hàng đã chấp thuận sử dụng những loại gỗ có ở trong nước nên công ty đã giảm được nhập khẩu nguyên liệu”.

Một số DN tại Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2020, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nguồn cung nguyên, vật liệu nhập khẩu bị “đứt gãy”, các công ty đã ưu tiên tìm nguồn nguyên, vật liệu trong nước để thay thế.

* Cần kết nối để xuất khẩu tại chỗ

Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam, hàng hóa của DN Đồng Nai đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường vốn đòi hỏi cao về chất lượng như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc…

Các DN trên địa bàn Đồng Nai có thể đáp ứng được đơn hàng của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hoặc DN có vốn đầu tư trong nước nhưng sản xuất những mặt hàng cao cấp xuất khẩu. Theo đó, các DN có thể kết nối, cung ứng đầu vào cho nhau sẽ tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và xuất siêu cũng sẽ tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận xét, đối với ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa đạt gần 50% và liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, có nhiều DN đã đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã làm cầu nối để các DN trong ngành xơ - sợi dệt, may mặc có thể liên kết đặt hàng của nhau để giảm nhập khẩu nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng cho ngành. Năm 2022, mục tiêu của ngành Dệt may Việt Nam là sẽ xuất khẩu 43 tỷ USD.

Thời gian qua, Đồng Nai thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa DN có vốn đầu tư trong nước và DN FDI trên địa bàn tỉnh để gia tăng xuất khẩu tại chỗ. Vì vậy, từ năm 2014, Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, đi trước cả nước 3 năm (Việt Nam xuất siêu từ năm 2017).

Nghịch lý tồn tại lâu nay là cùng một nhóm hàng nhưng DN này đem đi xuất khẩu và DN khác lại nhập khẩu về để sản xuất. Do đó, nếu các DN trên kết nối được thành các chuỗi cung ứng sản phẩm ngay trong nước sẽ giúp cho tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành hàng gia tăng.

Hương Giang

Tin xem nhiều