Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp mở rộng các kênh bán hàng Việt hiệu quả

06:06, 15/06/2022

Thời gian qua, nhiều điểm bán hàng Việt được triển khai tại các địa phương, các siêu thị, trung tâm thương mại... trên địa bàn tỉnh. Các điểm bán hàng này góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại nằm trong chuyên đề hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thuộc chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.

Thời gian qua, nhiều điểm bán hàng Việt được triển khai tại các địa phương, các siêu thị, trung tâm thương mại... trên địa bàn tỉnh. Các điểm bán hàng này góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại nằm trong chuyên đề hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thuộc chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hải Quân
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hải Quân

Về lâu dài, để các sản phẩm địa phương, hàng hóa thuần Việt ngày càng được người tiêu dùng tin dùng thì công tác mở rộng, phát triển các điểm bán hàng Việt cần được triển khai đồng bộ, căn cơ và tạo “độ phủ sóng” rộng hơn.

* Doanh nghiệp Việt đừng “tham bát bỏ mâm”

Hiện nay, tại nhiều gian hàng ở các chợ truyền thống, đại lý, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… không khó để bắt gặp sản phẩm của các tập đoàn, công ty đa quốc gia như: Unilever, P&G, Abbott, Nestlé... hoặc một số thương hiệu Việt lớn, nổi tiếng như: Vinamilk, TH True Milk, Bibica, Masan... Trong khi đó, hàng hóa của các nhà sản xuất quy mô trung bình và nhỏ, các sản phẩm địa phương thường ít xuất hiện ở các vị trí đẹp, vừa tầm mắt người mua…

Chị Lê Thị Thu Minh, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Biên Hòa cho biết, thông thường muốn được trưng bày vị trí đẹp, dễ chú ý thì nhà sản xuất phải đầu tư thêm các chi phí hỗ trợ, chiết khấu bán hàng tùy số lượng, chủng loại, diện tích trưng bày, quy mô của cửa hàng... Nhìn chung, các doanh nghiệp (DN) lớn, các công ty đa quốc gia sẵn sàng “chịu chi” hơn trong các hoạt động trên, do đó sản phẩm của các công ty này thường xuyên ra “mặt tiền” hơn so với các sản phẩm thuần Việt cùng loại.

Theo Sở Công thương, đối với các kênh bán lẻ hiện đại, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 256 cửa hàng tiện ích thuộc các hệ thống: Bách Hóa Xanh, Winmart, Co.opFood, Porkshop, GS25… đang hoạt động. Trong khi đó, đối với các loại hình bán lẻ truyền thống, toàn tỉnh hiện có 139 chợ và hơn 65 ngàn cửa hàng, điểm bán tạp hóa, bách hóa tổng hợp… đang hoạt động.

Có thể thấy rằng, mạng lưới các điểm bán lẻ hiện rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Nếu các DN Việt, nhất là các DN địa phương cứ mải miết tập trung vào các kênh phân phối, bán hàng lớn mà bỏ quên công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên các kệ hàng tại các chợ, cửa hàng tạp hóa hoặc thiếu chủ động về nguồn kinh phí, chiến lược để đưa sản phẩm tiêu dùng đến các sạp hàng nhỏ, lẻ thì sẽ gặp nhiều bất lợi khi phải cạnh tranh với các sản phẩm của các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia… về độ nhận diện thương hiệu, tính phổ biến của sản phẩm…

* Đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân vùng xa

Năm ngoái, nhiều hoạt động phát triển các kênh bán hàng Việt, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa bị gián đoạn hoặc không thể tổ chức theo kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong những tháng đầu năm 2022, nhiều hoạt động kết nối hàng Việt đã được triển khai, trong đó có việc kết nối, triển khai các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, các điểm bán hàng OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại các siêu thị… Điều này mở ra thêm nhiều cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp dành cho người dân, cũng như là một kênh để phân phối, quảng bá hàng Việt, hàng hóa địa phương khá hiệu quả.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), với việc mới khai trương thêm 3 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại TP.Long Khánh và các huyện Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch trong đầu tháng 6-2022, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh, trong đó có 29 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh.

Nhiều người tiêu dùng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa chia sẻ mong muốn có thêm nhiều điểm bán hàng Việt để người dân có thêm cơ hội lựa chọn mua sắm các sản phẩm hàng Việt với giá cả phải chăng, ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.

Anh Thân Hoàng Danh, công nhân ngụ xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Tôi thường mua hàng hóa ở các tiệm tạp hóa hoặc ở chợ gần nhà. Đây là kênh mua sắm chính của gia đình vì giá cả phù hợp với mức thu nhập của công nhân lao động, trong khi ở địa phương cũng chưa có nhiều kênh bán lẻ hiện đại. Do đó, khi trên địa bàn xã triển khai điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam được đầu tư các kệ hàng khá chuyên nghiệp, tôi thấy rất vui mừng, vì khi có thêm một điểm bán hàng Việt như vậy sẽ giúp gia đình có thêm lựa chọn để mua các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với giá cả bình ổn, nguồn hàng phong phú, ổn định”.

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh cho hay, trong những năm qua, trung bình mỗi năm Sở Công thương tiến hành khảo sát và triển khai từ 3-5 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh. Các điểm bán hàng này được người dân địa phương đón nhận với nhiều phản hồi tích cực, nhất là ở các xã vùng xa. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, nhân rộng thêm các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, trong đó tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để hỗ trợ người dân tiếp cận gần hơn với hàng Việt.

Theo các siêu thị, trung tâm thương mại, đối với những vị trí đẹp, đầu kệ hàng, các sản phẩm của các tập đoàn, công ty đa quốc gia vẫn thường chiếm ưu thế hơn. Trong khi đó, nhiều DN Việt đã đẩy mạnh công tác tiếp thị, mạnh dạn “chịu chi” hơn so với trước đây để đưa sản phẩm ra đầu các kệ hàng, nhất là các mặt hàng về nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Tuy nhiên, những hoạt động này chưa được các DN trong nước triển khai đồng bộ, thường xuyên, phần lớn tổ chức theo từng đợt, ngắt quãng… nên nhìn chung vẫn còn khoảng cách khá xa khi so với công tác tiếp thị sản phẩm của các DN lớn, công ty đa quốc gia vốn có nhiều lợi thế về vốn, nhân lực và tính chuyên nghiệp…

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích