Báo Đồng Nai điện tử
En

Không siết, nhưng cẩn trọng

06:06, 14/06/2022

Ngân hàng kêu "không có chủ trương siết tín dụng bất động sản" nhưng doanh nghiệp vẫn đang "than trời" vì khó vay đang là nghịch lý diễn ra trên thị trường trong vòng 1-2 tháng qua.

Ngân hàng kêu “không có chủ trương siết tín dụng bất động sản” nhưng doanh nghiệp vẫn đang “than trời” vì khó vay đang là nghịch lý diễn ra trên thị trường trong vòng 1-2 tháng qua.

Thực tế, bất động sản đã, đang và vẫn luôn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn nhất và vì thế tín dụng “chảy” vào lĩnh vực này ở nhiều ngân hàng rất lớn, đem lại nhiều lợi nhuận. Do đó, thời gian qua, cùng với việc giá nhà, đất tại nhiều địa phương tăng nóng, lĩnh vực cho vay bất động sản tại các ngân hàng cũng nóng theo. Tuy nhiên, đến một mức nào đó, nếu dễ dàng giải ngân cho các khoản vay này thì nhiều rủi ro tiềm ẩn. Báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã làm rõ việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các ngân hàng cần phải cẩn trọng khi giải ngân, dù Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương hay chính sách nào “siết” cả.

Theo đó, bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Nếu nhu cầu rút tiền của khách hàng gửi tiền tăng đột biến trong một khoảng thời gian nào đó, các ngân hàng sẽ không kịp thanh lý tài sản thế chấp (nhà, đất) để thu tiền về, và nếu mọi chuyện xấu đi cùng một lúc thì sự đổ vỡ dây chuyền có thể xảy ra. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Trong đó, quan trọng nhất là có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó. Với những cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực, có uy tín và thiện chí trả nợ, các khoản vay vẫn diễn ra bình thường.

Song thực tế không phải ngân hàng nào cũng có sự đánh giá đầy đủ, thường xuyên, cẩn trọng với các khoản vay này nên cơ quan quản lý luôn phải nhắc nhở và theo dõi sát, đặc biệt ở những thời điểm thị trường đang nóng.

Với thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, nếu để trường hợp “mất bò nhưng không dám làm lại chuồng để nuôi bò thì còn dở hơn”. Tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể “giật cục”, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều kịch bản khác nhau.  

    Vi Lâm

Tin xem nhiều