Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiệt thòi khi xuất khẩu cà phê thô

07:06, 15/06/2022

Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm và thuộc tốp đầu những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam.

Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm và thuộc tốp đầu những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt.

Nông dân xã Tà Lài (H.Tân Phú) phơi cà phê. Ảnh: Bình Nguyên
Nông dân xã Tà Lài (H.Tân Phú) phơi cà phê. Ảnh: Bình Nguyên

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), xuất khẩu cà phê tăng nhưng lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng lớn vì chi phí sản xuất, vận chuyển cao. Ngành cà phê đang chịu thiệt thòi vì chủ yếu vẫn xuất thô.

* Kim ngạch tăng mạnh

Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brasil), có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, thuộc nhóm những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc tốp đầu của ngành NN-PTNT.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngành hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là giá bán giảm mạnh do đầu ra gặp khó, trong đó có nguyên nhân bị ảnh hưởng mạnh vì xuất khẩu không thuận lợi. Riêng xuất khẩu cà phê lại đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 889 ngàn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tại Đồng Nai, cà phê cũng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 224 triệu USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng này vẫn giữ tốc độ tốt khi chỉ tính riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 43 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 53,9% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cà phê của cả nước giảm nhẹ so với tháng 4.

* Thiệt thòi vì xuất thô

Xuất khẩu cà phê tăng trưởng tốt nhưng DN trong ngành cà phê đạt lợi nhuận không như mong đợi vì giá vận chuyển và nhiều chi phí khác tăng cao. Cà phê Việt Nam đang thiệt thòi vì chủ yếu vẫn xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá cà phê nhân chỉ đạt khoảng 2.400 USD.

Kho cà phê nhân xuất khẩu tại Công ty CP Intimex Xuân Lộc (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên
Kho cà phê nhân xuất khẩu tại Công ty CP Intimex Xuân Lộc (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên

Phó giám đốc Công ty CP Intimex Xuân Lộc (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) Trần Thiện Hai cho biết, hiện Đồng Nai có 2 chi nhánh của tập đoàn chuyên xuất khẩu cà phê nhân. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê vẫn khá thuận lợi. Dự ước 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng trưởng tốt. Nhưng khó khăn nhất với DN là giá cước vận chuyển và nhiều chi phí khác không ngừng tăng cao. Giá cà phê cũng không biến động nhiều so với mọi năm. Nguồn cung cà phê trong nước vẫn khá dồi dào.

Ở thị trường trong nước, DN sản xuất đang nỗ lực ổn định sản xuất vì đầu ra vẫn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ông Nguyễn Văn Trí, chủ Cơ sở sản xuất cà phê Phú Sỹ (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) chia sẻ, cơ sở đã có hơn 30 năm hoạt động chế biến cà phê. Sản phẩm của cơ sở vừa đạt sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai. Đây là thuận lợi lớn để cơ sở phát triển thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mục tiêu hiện nay của DN chủ yếu vẫn là giữ được ổn định sức tiêu thụ như mọi năm vì hiện nay, cạnh tranh của thị trường cà phê khá lớn, lại phải đối mặt với khó khăn chung của thị trường. Thời gian qua, tuy lạm phát tăng cao, nhiều chi phí sản xuất cũng đội lên, nhưng cơ sở vẫn nỗ lực giữ giá bán như năm ngoái, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ bạn hàng. Hoạt động sản xuất của cơ sở cũng có sự điều chỉnh; trước đây cơ sở thường mua trữ nguyên liệu cho cả năm sản xuất thì nay chỉ nhập nguyên liệu đủ trong vài tháng chế biến. Có sự chuyển đổi này vì nguồn cung cà phê trong nước khá dồi dào, giá cả mặt hàng cà phê cũng ít có biến động quá lớn trong vài năm trở lại đây.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích