Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy sản xuất công nghệ cao

07:06, 04/06/2022

Thu hút sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm nâng chất hoạt động công nghiệp là mục tiêu trước mắt và lâu dài mà Đồng Nai đang hướng tới.

Thu hút sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm nâng chất hoạt động công nghiệp là mục tiêu trước mắt và lâu dài mà Đồng Nai đang hướng tới.

Doanh nghiệp tìm hiểu, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Ảnh: V.Gia
Doanh nghiệp tìm hiểu, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Ảnh: V.Gia

Thực tế cho thấy, qua khảo sát hiện trạng phát triển, số lượng DN có ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiều, do vậy cần có thêm các giải pháp hữu hiệu hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của DN thì sự hỗ trợ, song hành từ cơ chế, chính sách của Nhà nước là rất quan trọng.

* Chưa tương xứng tiềm năng

Theo số liệu thống kê, đến năm 2015, giá trị sản xuất nhóm ngành CNC chỉ chiếm 1% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp của Đồng Nai.

Hiện nay, theo Sở Công thương, tổng số DN thuộc lĩnh vực công nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh là 40, trong đó có 14 DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ CNC. 5/40 DN đã được Bộ KH-CN cấp chứng nhận lĩnh vực CNC là: Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Công ty TNHH TaeKwang Mold Vina, Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam, Công ty TNHH Mabuchi Việt Nam và Công ty TNHH Muto Việt Nam.

Các DN này đều thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, ít gây hại đến môi trường. Năm 2021, giá trị sản xuất nhóm ngành công nghiệp CNC đạt hơn 33 ngàn tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp.

Đối với việc thu hút các tập đoàn, DN lớn trên thế giới và trong nước đến đầu tư, quá trình chuyển hướng thu hút đầu tư đang được Đồng Nai thực hiện mạnh mẽ. Tỉnh đã quy hoạch 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ với những ngành nghề chất lượng cao. Hiện nay, các khu công nghiệp đang dần được lấp đầy và tiếp tục mở rộng thêm các khu vực khác.

Theo đánh giá của Sở KH-CN, việc ứng dụng CNC, công nghệ 4.0 vào sản xuất và được cấp giấy chứng nhận DN CNC đã nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín với khách hàng. Đồng thời, tạo động lực để tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm. Những DN này tạo được vị thế trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác, khách hàng hơn so với các DN cùng lĩnh vực nhưng không phải DN CNC.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, Đồng Nai hiện có hơn 40 ngàn DN đăng ký trên cổng thông tin quốc gia, song mới chỉ có 40 DN ứng dụng CNC là rất khiêm tốn; nếu không muốn nói là chưa tương xứng với tiềm năng của một trong những địa phương được coi là đầu tàu, cái nôi phát triển công nghiệp phía Nam cũng như cả nước. Trong số các DN ở Đồng Nai cũng đã có nhiều đơn vị lớn, tên tuổi.

Ngoài DN FDI thì số lượng DN nội được chứng nhận là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia cũng đã xuất hiện. Vấn đề là phải có cơ chế khuyến khích thu hút được nhiều hơn số lượng DN quan tâm, từ đó tạo ra cộng đồng DN mạnh.

Nhận xét về ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, GS-TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực song không ít DN trên địa bàn Đồng Nai chưa nhận thức đầy đủ tính cấp thiết và ích lợi của triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có đến 34% DN được khảo sát chưa biết thông tin, hoặc chưa hiểu sâu về công nghệ 4.0 trong khi 54% biết nhưng tự nhận là “chưa đầy đủ”. Chỉ có khoảng 10% số DN đã và đang áp dụng chiến lược công nghệ 4.0 mang tính bài bản.

* Tìm các giải pháp để đẩy mạnh

Hiện nay, sự phát triển kinh tế, công nghệ trên thế giới đang diễn ra nhanh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sẽ góp phần rút ngắn quá trình phát triển, nhưng để có thể tận dụng được cơ hội cũng có rất nhiều thách thức, nhiệm vụ được đặt ra. Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm từ 1,5-2% GRDP toàn tỉnh.

Theo khảo sát, có gần 52% DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Đồng Nai chưa có chiến lược; 38,5% DN đang xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ 4.0. Điều đó cho thấy tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong các DN, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa sâu và rộng.

Một trong những giải pháp được nói đến là việc xây dựng và triển khai chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; triển khai chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ DN phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để thiết lập chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Chú trọng hỗ trợ các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin, điện tử và công nghiệp hỗ trợ…

Bên cạnh đó là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN, hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Làm việc với các tập đoàn, DN lớn đến tìm hiểu đầu tư tại Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh cho biết ưu tiên của địa phương là thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng CNC, thương hiệu lớn nhằm nâng chất hoạt động công nghiệp trên địa bàn. Điều này phù hợp với xu thế phát triển và cũng để tận dụng lợi thế khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cửa ngõ quốc tế của Việt Nam đi vào hoạt động.

Văn Gia

Tin xem nhiều