Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp chuẩn bị mùa sản xuất cuối năm

07:08, 03/08/2022

Từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn những gam màu sáng - tối đan xen.

Từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả khả quan, xuất - nhập khẩu có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đi sâu phân tích bức tranh sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, DN trên địa bàn tỉnh nói riêng thì vẫn còn những gam màu sáng - tối đan xen.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở H.Long Thành. Ảnh: Văn Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở H.Long Thành. Ảnh: Văn Gia

Để tiếp tục ổn định sản xuất, nỗ lực thực hiện các kế hoạch đặt ra, DN cũng phải chủ động dự đoán, ứng phó với những thách thức không mong muốn.

* Những gam màu sáng - tối

Trong lĩnh vực xây dựng, là DN tư nhân, có khả năng đảm nhận vai trò tổng thầu các dự án xây dựng lớn, nhất là về lĩnh vực kết cấu thép, nhà xưởng và một số công trình hạ tầng khác, Công ty TNHH Xây dựng Võ Đắc (TP.Biên Hòa) đang đảm nhiệm nhiều công trình khác nhau. Thời gian qua, giá nguyên vật liệu cho ngành xây dựng luôn “nhảy múa”, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Theo ông Nguyễn Tăng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Võ Đắc, 2 quý đầu năm, doanh thu chỉ đạt khoảng 35-40% so với kế hoạch. Nếu tình hình còn tiếp tục khó khăn, dự kiến DN chỉ đạt được khoảng 50-55% kế hoạch đề ra trong năm 2022.

Tương tự, ngành vận tải đối mặt với việc tăng giá liên tiếp của xăng dầu, các DN gặp nhiều khó khăn. Gần đây, giá xăng dầu “hạ nhiệt” đã phần nào giúp các DN yên tâm hơn, song nhìn chung ngành vận tải đang ở vào thế “bĩ cực”. Riêng đối với vận tải buýt công cộng, trên địa bàn tỉnh, nhiều tuyến xe đã bỏ tuyến từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 đến nay. Ngành GT-VT đang nỗ lực kêu gọi các đơn vị tái hoạt động hoặc DN đấu thầu tuyến, song không mấy ai mặn mà.

Một số ngành, có những DN gặp khó khăn song cũng có nhiều DN có kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan. Tại Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành, chuyên sản xuất cao su kỹ thuật), kết quả sản xuất, kinh doanh lại rất khả quan. Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty, cho hay hiện đơn vị đang là một trong số 25 DN nhóm những công ty thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương. Nhờ vậy, khách hàng biết đến sản phẩm của công ty nhiều hơn; những tháng gần đây, các đối tác đến tìm hiểu, đặt hàng sản xuất đang gia tăng.

Tương tự, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) đã đưa vào hoạt động nhà xưởng mới diện tích hơn 4 ngàn m2 với số vốn hơn 1,5 triệu USD và đầu tư thêm máy móc, robot hiện đại để tự động hóa sản xuất.

Theo ông Trần Quý, giám đốc công ty, cùng với  hệ thống máy móc đầu tư hiện đại, nhà xưởng khang trang hơn, có đầy đủ các phòng, từ văn phòng, phòng nghiên cứu, phát triển đến dây chuyền sản xuất…, công ty sẽ nỗ lực để tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ kế hoạch sản xuất sắp tới.

* Chủ động ứng phó với các thách thức

Hiện đã vào giữa quý III của năm, các DN đang nỗ lực để bước vào mùa sản xuất cuối năm, nhưng dưới tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, dự báo tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn. Điều đó đòi hỏi các DN phải chủ động ứng phó với các thách thức.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Võ Đắc Nguyễn Tăng Mạnh chia sẻ, để tiết giảm chi phí, DN phải tiếp tục tinh gọn bộ máy. Nhân sự phải tối giản gây khó khăn nhưng DN cũng phải thích ứng. Đồng thời, công ty hướng mạnh hơn đến sản xuất chế tạo công trình, nhà thép tiền chế và đã bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài.

Tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trang Minh Đức (TP.Biên Hòa), Giám đốc công ty Vũ Văn Toàn chia sẻ dự đoán của ông về tình hình kinh tế thế giới, trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn. DN làm trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất máy nên nguồn nguyên vật liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều cấu kiện máy, sắt, thép trong nước không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu không phải dễ dàng nên ông phải chú trọng tích trữ vật liệu để sản xuất trong những tháng cuối năm, thậm chí là cả năm sau. “Chúng tôi đang có nhu cầu mua số lượng lớn vật liệu sắt thép chuyên dụng và tích trữ dần, phòng tình hình có những biến động hay giá nguyên vật liệu tăng nóng trở lại” - ông Toàn cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá, lạm phát, tăng lãi suất được xác định là những trở ngại chính đối với DN từ nay đến cuối năm 2022. Song nhiều DN cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gói hỗ trợ kinh tế có thể là một cú hích thuận lợi cho các DN, giúp giảm bớt những khó khăn, trở ngại. Điều quan trọng là từng DN phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.     

Văn Gia

Tin xem nhiều