Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 220 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường và hơn 110 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình hoạt động, các mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 220 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường và hơn 110 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình hoạt động, các mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan và xây dựng nông thôn mới.
Các thành viên mô hình CLB Bảo vệ môi trường Rừng Xanh (ấp 1, xã Mã Đà) tham gia dọn dẹp vệ sinh tại đường ấp. Ảnh: B.Mai |
Tuy nhiên, do hoạt động tự nguyện nên đa phần khó khăn về kinh phí.
* Bớt vứt rác ra đường
Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ấp Bình Phước (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) là mô hình điểm được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn để phát huy hiệu quả của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường khu dân cư. Từ mô hình ban đầu tại ấp này với 120 hộ dân, đến nay các ấp trên địa bàn xã đều có mô hình tương tự với tổng cộng gần 2,8 ngàn hộ dân tham gia.
Ông Trịnh Bá Hòa, Trưởng ấp đồng thời là Tổ phó mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ấp Bình Phước cho biết, khi mới thành lập mô hình cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Tổ đã cân nhắc và đưa trưởng ấp, đại diện Mặt trận, các đoàn thể và cả đơn vị thu gom rác thải vào tổ điều hành. Định kỳ thứ bảy hoặc chủ nhật, thành viên trong tổ chia nhau đi kiểm tra các tuyến đường, kênh mương, đồng ruộng, khu vực nào chưa sạch đẹp thì tổ chức dọn dẹp, cải tạo cảnh quan.
“Lúc đầu, nhiều người cũng thờ ơ. Về sau, họ thấy đường sạch, mương sạch thì tự động không vứt rác nữa. Hiện cảnh quan, môi trường của ấp Bình Phước đã thực sự khởi sắc và quan trọng hơn là hành vi, thói quen của mỗi người dân đã thay đổi theo hướng tích cực và thân thiện hơn với môi trường” - ông Hòa chia sẻ.
Mô hình Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng tuyến đường kiểu mẫu xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được nhân dân ấp 18 Gia Đình, ấp Ruộng Tre và Cộng đoàn giáo họ Vịnh Sơn phối hợp duy trì nhiều năm nay.
Ông Lã Thanh Sơn, Tổ phó mô hình cho biết, tổ có 22 thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên tham gia mô hình đều ký bản cam kết gồm các quy định như: đăng ký đổ rác thải sinh hoạt và thực hiện phân loại rác tại nguồn; tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường và chăm sóc cảnh quan nơi sinh sống; tố giác các đối tượng có hành vi gây ô nhiễm môi trường… Trung bình mỗi 2 tuần, tổ sẽ ra quân dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa và cây xanh. Ngoài ra, tổ còn vận động nhân dân đóng góp tiền làm trụ cờ, sửa chữa đường hư hỏng.
Mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường tại ấp Vĩnh An (xã La Ngà, H.Định Quán) đã vận động được 100% hộ gia đình tự nguyện cam kết thực hiện “3 không” gồm: không đổ rác thải bừa bãi; không phóng uế, vứt xác động vật chết ra môi trường xung quanh; không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật. Mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại ấp 6, xã An Phước (H.Long Thành) đã vận động hơn 98% hộ dân đăng ký bỏ rác tập trung và còn nhiều mô hình khác ở các ấp, khu phố toàn tỉnh.
* Khó khăn về kinh phí
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đơn vị triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, từ năm 2016 đến nay, Mặt trận các cấp đã xây dựng được 225 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường và 112 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình hoạt động, các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức cũng như hành động của người dân trong việc tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản để làm mương thoát nước, đường giao thông; đóng góp kinh phí để lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa và cây xanh tạo cảnh quan.
Tuy vậy, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư vẫn còn những hạn chế như: nhiều người chưa quan tâm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Kinh phí hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, nhiều nơi thành lập mô hình xong không có kinh phí nên hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.
Ông Lã Thanh Sơn cho rằng, những năm qua, các thành viên trong tổ, người dân tự nguyện đóng góp ngày công, ươm giống hoa để trồng dọc đường. Tuy nhiên, nếu có thêm nguồn kinh phí để mua phân bón, cây lấy gỗ để trồng, mua dầu chạy máy phát cỏ dọc các tuyến đường sẽ tốt hơn.
Ông Vũ Văn Biên, Trưởng ấp đồng thời là Chủ nhiệm mô hình CLB Bảo vệ môi trường Rừng Xanh ở ấp 1, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, hiện có gần 100% hộ dân ở ấp đã đăng ký thu gom rác, có ý thức giữ gìn vệ sinh trong sản xuất nông nghiệp. Riêng với phân loại rác, nhiều hộ gia đình muốn được hỗ trợ thùng rác, dụng cụ để đựng. Đối với các hoạt động khác như: trồng và chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, CLB thường kết hợp với ban ấp và nhân dân cùng làm. “Nguồn kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi khó tổ chức các hoạt động quy mô lớn, rộng” - ông Biên chia sẻ và kiến nghị có thêm khoản hỗ trợ để duy trì các hoạt động vì môi trường.
Tại cuộc họp về đề án quản lý rác thải sinh hoạt vào tháng 7 vừa qua, đại diện lãnh đạo TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Nhơn Trạch, H.Thống Nhất cùng có ý kiến nên có chính sách hỗ trợ các tổ nhân dân, mô hình bảo vệ môi trường khu dân cư để họ phát huy hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt giám sát việc thu gom rác và nhắc nhở các hộ gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
Liên quan đến nội dung này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi thống nhất cho điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom rác từ 22-30 ngàn đồng/hộ/tháng lên mức 30-40 ngàn đồng/hộ/tháng và cho trích lại một phần kinh phí để hỗ trợ các mô hình, tổ nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư.
Ban Mai