Từ năm 2022, người dân nhiều nơi trong tỉnh muốn khoan giếng phải đến UBND cấp xã làm hồ sơ đăng ký, sau đó, UBND cấp huyện xác nhận mới được phép làm.
Đây là một trong những quy định mới của UBND tỉnh có hiệu lực từ năm 2022. Việc đăng ký khai thác nước dưới đất vừa là giải pháp để không vi phạm quy định vùng hạn chế khai thác nước ngầm, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi trữ lượng, quản lý khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, bền vững.
Khoan giếng khai thác nước ngầm tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa (ảnh chụp năm 2021). Ảnh minh họa: Ban Mai |
Trên thực tế, việc áp dụng quy định này chưa dễ vì nước sạch (nước máy) chưa bao phủ, người dân chưa quen với việc đăng ký với chính quyền khi khoan giếng.
* Không tự ý khai thác nước ngầm tràn lan
Đầu năm 2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 297/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Theo quy định này, người dân nhiều nơi trong tỉnh muốn khoan giếng phải đến UBND cấp xã làm hồ sơ đăng ký, sau đó, UBND cấp huyện (hoặc ủy quyền cho cấp xã) xác nhận mới được phép làm. Trường hợp người dân không tuân thủ quy định về đăng ký khai thác nước dưới đất thì cả người dân lẫn cơ sở khoan giếng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, nước ngầm nhiều nơi trong tỉnh đang bị hụt dưới ngưỡng trung bình. Hệ quả về lâu dài là ô nhiễm nguồn nước ngầm, gia tăng hạn hán, xuất hiện hố tử thần ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Đồng thời, Sở công khai kết quả chất lượng quan trắc nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo đến người dân cân nhắc việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt.
Ông Đức đề nghị UBND cấp xã phải thông tin để người dân, cơ sở khoan giếng biết các khu vực bị hạn chế, vùng phải đăng ký; đồng thời, giám sát việc tuân thủ quy định này.
Theo ông Đức, hiện nay nước sạch cho người dân là lĩnh vực tỉnh rất quan tâm đầu tư. Tới đây, khi nước sạch đã được cung cấp đến với người dân thì UBND cấp huyện phải ngưng cấp phép khai thác nước dưới đất ở khu vực hạn chế; đóng cửa các giếng khoan trong vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, nhiều khu vực không cấm nhưng người dân phải đăng ký với chính quyền trước khi khoan giếng. Việc đăng ký này nhằm đảm bảo không bị vi phạm quy định vùng hạn chế khai thác nước, giúp cơ quan quản lý theo dõi số lượng giếng khoan, tính toán trữ lượng nước để có giải pháp quản lý khai thác và sử dụng tiết kiệm.
* Linh hoạt trong áp dụng quy định
Hiện H.Cẩm Mỹ là địa phương khan hiếm nguồn nước ngầm và chưa có nước máy. Ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ cho biết, hiện huyện chỉ có ít công trình nước cấp nước tập trung được đầu tư theo chương trình 134, 135 trước đây. Việc áp dụng quy định vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khó thực hiện vì đây là nhu cầu bức thiết của người dân. Năm 2020, trên địa bàn đã xảy ra tranh chấp nguồn nước ngầm, huyện phải đứng ra giải quyết. Huyện kiến nghị nhanh chóng triển khai dự án xa lộ nước sạch, đầu tư thêm các hồ chứa nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, từ đó mới “áp” quy định được.
Theo đại diện Phòng TN-MT TP.Biên Hòa, thành phố có nhiều vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất vì đã có nước sạch bao phủ. Tuy nhiên, tại một số phường, xã, nước sạch mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sinh hoạt như: Long Bình Tân, Phước Tân, Tam Phước, Trảng Dài…, người dân vẫn phải khoan giếng dù trong khu vực hạn chế.
Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) Hứa Quốc Bách chia sẻ thêm, các vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác được xây dựng, ban hành trên cơ sở đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất và áp dụng theo các quy định của Chính phủ về tài nguyên nước. Nguyên tắc của việc hạn chế khai thác nước dưới đất là phải theo lộ trình, phù hợp thực tế. Trong trường hợp khu vực hạn chế chưa có hệ thống cấp nước sạch vẫn xem xét giải quyết hồ sơ để người dân có nước sinh hoạt. Đăng ký khai thác nước để theo dõi trữ lượng, chất lượng nguồn nước.
“Danh mục vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước là cơ sở để các sở, ngành và UBND các địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch, dự án ưu tiên cấp nước cho các khu vực này” - ông Bách thông tin.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Sở TN-MT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nước ngầm là tài nguyên quan trọng và không phải vô hạn. Sở cần tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp thực hiện quy định về vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước. Đối với khu vực hạn chế, vùng phải xin phép khai thác mà chưa có hệ thống nước sạch linh hoạt giải quyết hồ sơ cho người dân, nhưng đối với khu vực đã có khả năng kết nối với nguồn nước cấp mà vẫn khoan giếng thì đề nghị xử lý nghiêm.
Theo Quyết định số 297/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tại 11 huyện, thành phố có hơn 300 khu vực hạn chế và hơn 300 vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Đây là những khu vực gần bãi rác, nghĩa trang; đã có hệ thống cấp nước tập trung; có nước dưới đất thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép; liền kề vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ. Người dân theo dõi các khu vực, vùng này tại trụ sở UBND xã, cổng thông tin điện tử UBND tỉnh. Trường hợp người dân không đăng ký với chính quyền địa phương khi khoan giếng sẽ bị xử phạt 2-5 triệu đồng theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24-3-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. |
Ban Mai