Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời đồ ăn vặt cũng... chuyển khoản

07:08, 22/08/2022

Hiện nay, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử…, việc thanh toán tại siêu thị, cửa hàng cà phê, ăn uống cho tới trả tiền cho hộp bánh tráng trộn, cá viên chiên, đồ ăn vặt... đều có thể sử dụng hình thức chuyển khoản, quét mã QR.

Hiện nay, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử…, việc thanh toán tại siêu thị, cửa hàng cà phê, ăn uống cho tới trả tiền cho hộp bánh tráng trộn, cá viên chiên, đồ ăn vặt... đều có thể sử dụng hình thức chuyển khoản, quét mã QR.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại một cửa hàng bán đồ ăn vặt trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà
Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại một cửa hàng bán đồ ăn vặt trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà

Điều này giúp người dùng thanh toán nhanh chóng, chi trả được các khoản tiền có số lẻ, số tiền nhỏ như: ly nước, phần cơm, món ăn vặt... mà vẫn có thể lưu trữ được lịch sử thanh toán, giúp quản lý chi tiêu an toàn vì không phải mang theo số tiền lớn.

* Hàng quán “đua nhau” mở các kênh thanh toán trực tuyến

Với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vắn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như: thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, mua vé máy bay… 

Trên thực tế, nhiều người kinh doanh dù nhỏ lẻ đều thích ứng rất nhanh với sự điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách hàng. Khi thanh toán hóa đơn hoặc mua hàng, tùy theo nhu cầu cá nhân mà khách có thể chọn cho mình cách thức phù hợp nhất. Việc thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức như: chuyển khoản qua ngân hàng, ví điện tử… ngày càng trở nên phổ biến và mang tính ứng dụng cao.

Chị Trần Thị Huyên Huyên, chủ shop ăn vặt Bông Bí (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, cửa hàng của chị chuyên bán sỉ và lẻ các loại đồ ăn vặt, trái cây nhập khẩu, đặc sản vùng miền... với đa dạng mặt hàng và mức giá. Trong đó, việc thanh toán qua hình thức quét mã QR, chuyển khoản ngân hàng tại cửa hàng khá linh hoạt và được nhiều khách hàng lựa chọn. Trung bình mỗi ngày, lượng đơn chuyển khoản qua ngân hàng chiếm khoảng 50% tổng số đơn.

“Cửa hàng bố trí mã QR, số tài khoản ngân hàng ngay quầy thanh toán cho khách hàng dễ dàng nhìn thấy. Bởi hiện nay, câu chuyện khách hàng thanh toán hóa đơn hay mua hàng bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng không còn xa lạ. Do đó, cửa hàng chấp nhận thanh toán cho dù giá trị mỗi đơn hàng chỉ từ vài chục ngàn đồng hay đến vài triệu đồng, miễn khách thấy tiện lợi” - chị Huyên chia sẻ.

Tương tự, chị Ánh Tuyết, chủ một shop ăn vặt ở P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện hơn 80% đơn hàng của chị đều chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử Momo, Zalopay. Điều này vô cùng thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán bởi khách chỉ cần đặt hàng và chuyển tiền trực tiếp trong khung chat Zalo, Momo mà không cần phải nhớ những dãy số tài khoản ngân hàng phức tạp như trước. Riêng chị Tuyết không phải ngồi đếm tiền lẻ, chuẩn bị tiền thừa trả cho khách...

* Xu hướng phổ biến trong giới trẻ

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay câu chuyện khách hàng thanh toán hóa đơn hay mua sắm, trả tiền các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà trên tay chỉ cầm chiếc điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Đây là những đối tượng bắt nhịp nhanh với công nghệ, thông thạo sử dụng các thiết bị di động thông minh…

Hơn thế nữa, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, chuyển khoản cho phép quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, nhiều ưu đãi, khuyến mãi, có thể chi trả được các khoản tiền có số lẻ, số tiền nhỏ cũng như số tiền thanh toán được lưu trữ vào lịch sử giao dịch, hạn chế phải sử dụng tiền mặt…

Anh Khánh Trương (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, những người trẻ, giới văn phòng như anh hiện rất chuộng thanh toán bằng ví điện tử hoặc qua ứng dụng internet banking của ngân hàng số vì có nhiều ưu đãi như: giảm giá, hoàn tiền...; đồng thời, không cần tốn thời gian, công sức rút tiền nhiều lần. TP.Biên Hòa ngày càng phát triển, không chỉ các hệ thống cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng, ăn uống chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt mà ngay cả các quán ăn vặt, vỉa hè, shop online... cũng dần số hóa.

“Đôi khi tôi mua các món đồ, hộp bánh tráng chỉ từ 15-50 ngàn đồng và quét mã QR hay chuyển khoản là đã thanh toán thành công, không lo tìm tiền lẻ, chờ thối hay sợ rớt tiền mặt. Hiện giờ ngay đến các chị bán cơm trưa ở công ty, anh xe ôm cũng có tài khoản ngân hàng để đáp ứng nhanh mọi nhu cầu” - anh Khánh Trương nói.

Quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Laha Cafe ở TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Ngân cho hay, để khuyến khích khách hàng đặt hàng trực tuyến, các cửa hàng của chuỗi đã chủ động tham gia các chương trình mã giảm giá trên các ứng dụng đặt hàng trực tuyến, mở rộng các hình thức thanh toán bằng mã QR, thanh toán trực tuyến… Đây là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong bối cảnh các dịch vụ thanh toán, ngân hàng ngày càng phát triển với nhiều tiện ích.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai PHẠM QUỐC BẢO chia sẻ, từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các dịch vụ thẻ, internet banking, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển khá nhanh. Việc phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tuyến… đang được các ngân hàng đẩy mạnh, qua đó góp phần nhân rộng đề án Không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, việc thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng mã QR lại càng có nhiều điều kiện phát triển, được nhiều người lựa chọn, nhất là giới trẻ khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến, mạng internet ngày càng phủ sóng rộng khắp, cước viễn thông rẻ hơn nhiều so với trước đây.

Hải Hà

Tin xem nhiều