Sau 4 năm đàm phán, vào tháng 7-2022, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải thông báo về yêu cầu kiểm dịch thực vật. Đây là cơ hội tốt cho thị trường tiêu thụ trái sầu riêng của Việt Nam khi Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn này.
Sau 4 năm đàm phán, vào tháng 7-2022, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải thông báo về yêu cầu kiểm dịch thực vật. Đây là cơ hội tốt cho thị trường tiêu thụ trái sầu riêng của Việt Nam khi Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn này.
HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) kỳ vọng trở thành vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, để đạt chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, từ khâu sản xuất đến đóng gói phải tuân thủ, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.
* Cần đáp ứng tiêu chuẩn cao
Theo nội dung điều khoản chung tại nghị định thư, trái sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu nêu trong nghị định thư, nhất là không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; đảm bảo các điều kiện như: vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm…
Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc cần thiết lập hệ thống quản lý chất lượng hợp lý và hệ thống truy xuất nguồn gốc để loại bỏ các đối tượng dịch hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của Trung Quốc như: ruồi đục, rệp; tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như: giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm… Các tiêu chuẩn này ngày càng khắt khe.
Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và được phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nếu phát hiện lô hàng chưa qua phê chuẩn từ các vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói, lô sầu riêng Việt Nam sẽ không được phép nhập cảnh. Nếu phát hiện có sinh vật gây hại mà Trung Quốc chú trọng hoặc sinh vật gây hại được ghi nhận ở Việt Nam, hoặc đất, tàn dư thực vật…, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero Covid” nên cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản đông lạnh.
* Lập vùng trồng và cơ sở đóng gói
Vào đầu tháng 8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã gửi văn bản cho Sở NN-PTNT Đồng Nai về triển khai kiểm tra trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc với các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng sang Trung Quốc cần nghiên cứu các quy định tại nghị định thư đã ký giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc” cũng như hướng dẫn thực hiện theo yêu cầu tại Tiêu chuẩn cơ sở về thiết lập và giám sát vùng trồng; tiêu chuẩn cơ sở về thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói để thực hiện, nhằm đáp ứng đủ yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) là một trong những vùng trồng của Đồng Nai đã đăng ký tham gia chương trình kiểm tra trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc với các vùng trồng. Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Xuân Định Đặng Thị Thúy Nga chia sẻ, hơn 2 năm qua, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất an toàn để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nông dân trồng sầu riêng tại địa phương đang sản xuất theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục bị cấm. HTX kỳ vọng sẽ đạt tiêu chuẩn trong đợt kiểm tra trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đây là cơ hội rất lớn về thị trường cho trái sầu riêng của địa phương, vì hiện nay, nhiều đối tác là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã làm việc với HTX đặt vấn đề bao tiêu nguồn cung xuất khẩu.
Bình Nguyên