Thị trường cho thuê mặt bằng vào dịp cuối năm thường là giai đoạn khá sôi động. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều mặt bằng cho thuê tại TP.Biên Hòa dù có vị trí đẹp nhưng vẫn ít người thuê.
Thị trường cho thuê mặt bằng vào dịp cuối năm thường là giai đoạn khá sôi động. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều mặt bằng cho thuê tại TP.Biên Hòa dù có vị trí đẹp nhưng vẫn ít người thuê.
Thông báo cho thuê mặt bằng tại một cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà |
* “Ngóng” người thuê mặt bằng
Theo nhiều tiểu thương, chủ các hệ thống, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, trong thời gian qua, tình hình kinh doanh tuy có phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng sức mua nhiều ngành hàng như: thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn nhanh… vẫn chịu nhiều tác động do vật giá leo thang. Đặc biệt, nhiều cửa hàng dịch vụ có xu hướng đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến hoặc tiết kiệm chi phí mặt bằng theo hình thức các ki-ốt, xe đẩy bán hàng… đã khiến nhiều sạp hàng rơi vào cảnh ế khách, mặt bằng kinh doanh để trống chờ người thuê.
Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa Võ Văn Phi cho biết, hiện nay tình hình kinh doanh trên khu vực tầng lầu của chợ khá ế ẩm. Khu vực này tập trung những tiểu thương kinh doanh các mặt hàng: quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… Nhiều tiểu thương đã tạm nghỉ bán do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các shop quần áo, siêu thị, kinh doanh online… Tỷ lệ sạp đang hoạt động tại khu vực tầng lầu của chợ hiện chỉ đạt gần 40%. Trong khi đó, các sạp ở tầng trệt, các sạp kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng hoạt động khá ổn định…
Theo đại diện một số trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa, số lượng gian hàng, ki-ốt đang kinh doanh hiện đạt khoảng 50-80%. Số lượng ki-ốt, gian hàng còn lại mà người thuê cũ trả vẫn chưa dễ kiếm khách thuê mới. Nguyên nhân chính là do chưa có phương án thống nhất giữa bên thuê và cho thuê với phí thuê mặt bằng, phương án thanh toán…
Đại diện Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai cho biết, hiện tỷ lệ “phủ” các gian hàng, ki-ốt tại trung tâm thương mại đạt hơn 50%. Nhiều người thuê gian hàng, ki-ốt đã trả lại mặt bằng khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19. Hiện nay, các gian hàng đang hoạt động tập trung nhiều về thời trang, thực phẩm… Dù trung tâm thương mại đã có chương trình ưu đãi, miễn phí tiền thuê đối với nhiều mặt bằng trong vòng 6 tháng đầu nhưng nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại chưa thuê khi tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, gặp phải nhiều sự cạnh tranh trên thị trường…
Tương tự, đối với nhiều chủ mặt bằng trên các tuyến đường, khu vực trung tâm, đông dân cư, tình hình cho thuê cũng khá ế ẩm. Nhiều mặt bằng vẫn đóng cửa chờ người thuê hoặc phải “trầy trật” rao mới có người đến thuê.
* Xu hướng kinh doanh có nhiều thay đổi
Để chia sẻ với những khó khăn của người đang thuê hoặc thu hút khách thuê mới trong giai đoạn này, nhiều chủ cho thuê mặt bằng bắt đầu “xuống nước”, hạ giá thuê hoặc linh hoạt hơn đối với phương án cho thuê, thời hạn thuê hoặc các điều khoản về điều chỉnh giá thuê. Nhưng trên thực tế, để người thuê và người cho thuê mặt bằng có được tiếng nói chung vẫn cần có thêm sự thỏa thuận, đồng lòng giữa 2 phía.
Bà Xuân Mai (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình bà có một căn nhà mặt tiền với diện tích sử dụng hơn 120m2 cho thuê tại P.Quang Vinh. Những năm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu thuê mặt bằng tại khu vực này khá sôi động nên mặt bằng của bà luôn trong tình trạng được săn đón “có giá” để mở điểm kinh doanh ăn uống, cà phê, vì gần trường học, siêu thị, chung cư...
“Từ sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh ăn uống của các quán xá chững lại, đồng thời họ phải gồng gánh thêm nhiều chi phí khác tăng cao, dẫn đến trong hơn 2 năm dịch bệnh đã có 3 đơn vị cắt hợp đồng thuê mặt bằng sớm, chấp nhận lỗ cọc 2 tháng vì không cầm cự nổi. Tôi cũng chia sẻ với các hộ kinh doanh và hiện giảm 20% giá thuê so với trước, chỉ còn 8 triệu đồng/tháng, tuy nhiên chật vật rao mãi thì cuối tháng 8 mới có người đến thuê để mở quán cà phê” - bà Mai chia sẻ.
Ông Quốc Đạt (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, từ năm 2021, ông và nhóm bạn có nhu cầu thuê mặt bằng để mở cửa hàng bán thời trang nam như quần áo, phụ kiện... Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến giãn cách xã hội kéo dài, giá thuê mặt bằng ở mức cao, tại khu vực trung tâm thành phố như các cung đường: Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc... từ 15-30 triệu đồng/tháng/mặt bằng, cộng với việc tìm kiếm nhân sự khó khăn nên ông đã quyết định khởi nghiệp... online. Thay vì set up (bố trí, thiết lập) một cửa hàng mới với nhiều chi phí vận hành, ông thiết kế, đặt may mẫu theo form sẵn có với nhiều kích cỡ phù hợp rồi đăng lên mạng xã hội như Facebook, Zalo và sàn thương mại điện tử bán với mức giá phù hợp.
“Nắm bắt xu hướng mua hàng trực tuyến, tôi dần làm quen với hình thức này và lượng đơn cũng dần ổn định. Các sản phẩm do nhóm tôi tìm vải, thiết kế và đặt may được bán ra với mức giá phù hợp, không bị đội các chi phí thương hiệu, mặt bằng, nhân sự, song chất lượng không thua gì các thương hiệu lớn nên rất được lòng các bạn trẻ. Hiện nay, nhiều đơn vị, cá nhân khởi nghiệp, nhất là các ngành thời trang, ăn vặt, trà sữa... không quá đặt nặng vấn đề mặt bằng như trước mà tận dụng ưu thế công nghệ số, thương mại điện tử để phát triển tiềm năng cũng như khởi sự kinh doanh cho riêng mình” - ông Đạt bộc bạch.
Theo ghi nhận tại nhiều chợ ở TP.Biên Hòa, tình hình kinh doanh của nhiều tiểu thương bán các sản phẩm thời trang như: quần áo, vải, giày dép, mỹ phẩm… khá “phập phồng”, thường xuyên rơi vào cảnh ế khách. Do đó, nhiều tiểu thương đã đóng cửa sạp, tạm nghỉ bán thời gian dài hoặc chuyển hướng sang kinh doanh online, kinh doanh tại nhà… |
Hải Hà