Trong khi người dân nhiều nơi trong tỉnh đang "khát" nước sạch thì các công trình cấp nước nông thôn chỉ hoạt động đạt khoảng 50% công suất, thậm chí nhiều nơi không hoạt động.
Trong khi người dân nhiều nơi trong tỉnh đang “khát” nước sạch thì các công trình cấp nước nông thôn chỉ hoạt động đạt khoảng 50% công suất, thậm chí nhiều nơi không hoạt động.
Người dân ấp 5, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom thiếu nước sạch sinh hoạt. Ảnh: H.Lộc |
Chất lượng và lưu lượng nước không ổn định, chi phí lắp đặt đồng hồ và giá bán nước cao là lý do người dân chưa mặn mà với nước sạch nông thôn.
* Người dân thiếu nước sạch
Xã Thanh Sơn là vùng sâu, vùng xa của H.Định Quán nên được ưu tiên đầu tư 6 công trình cấp nước nông thôn. Đến nay, 3 công trình tại: ấp 5 điểm bà Điểu Lan, ấp 5 điểm ông Điểu Cưng và công trình tại ấp 2 đã ngưng hoạt động. Hiện nước sạch là vấn đề bức thiết với nhiều hộ gia đình thuộc các ấp 1, 2, 5, 6, 7 và 8.
Quyền Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên cho biết, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện đang thiếu nước sạch vì nguồn nước ngầm suy giảm, công trình cấp nước không đáp ứng đủ. “Trên địa bàn huyện có tổng cộng 30 công trình cấp nước nông thôn nhưng người dân vẫn “khát” nước sạch vì 12 công trình ngưng hoạt động, 2 công trình vẫn đang triển khai xây dựng” - ông Biên chia sẻ.
Theo Báo cáo hiện trạng công trình cấp nước nông thôn của Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 9-2022, toàn tỉnh hiện có 88 công trình; trong đó, 56 công trình đang hoạt động hiệu quả, đạt 50% so với thiết kế; 26 công trình ngưng hoạt động do nguồn nước không đảm bảo, công trình xuống cấp; 6 công trình đang triển khai xây dựng, sửa chữa. |
Xã Sông Thao (H.Trảng Bom) có công trình cấp nước sạch nông thôn công suất 960m3/ngày đêm nhưng nhiều hộ gia đình không có nước sạch sử dụng. Bà Trần Thị Kỳ (ngụ ấp Thuận Trường) chia sẻ, cách đây 2 năm, bà đã chi gần 3 triệu đồng để dùng nước sạch nhưng nguồn nước, chất lượng nước đều có vấn đề. Theo bà Kỳ, vào mùa khô, khu vực ấp Thuận Trường thường xảy ra tình trạng nước chảy yếu, mất nước gián đoạn. Gia đình bà mua xô lớn trữ nước dùng dần thì thấy có lắng cặn, phèn.
Đại diện lãnh đạo xã Sông Thao cho biết, xã có khoảng 800/2.100 hộ dân đang dùng nước sạch từ công trình cấp nước nông thôn. Nhiều hộ chưa dùng nước sạch vì giá lắp đặt đồng hồ nước cao khoảng 3-5 triệu đồng/hộ, giá sử dụng nước sạch cũng cao từ 7,2-12,6 ngàn đồng/m3 mà lưu lượng nước không ổn định, chất lượng nước một số thời điểm còn hôi, cặn.
Còn tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng cho biết, nước sạch là vấn đề cấp thiết nhiều năm nay của xã. Công ty CP Cấp nước Đồng Nai vừa đầu tư đường ống nước sạch về xã nhưng chỉ có các hộ dân ở trục đường chính được dùng nước sạch, đường xương cá chưa có đường ống nước sạch.
Tại H.Xuân Lộc, các xã: Xuân Thọ, Xuân Bắc, Xuân Định; H.Tân Phú có các xã: Thanh Sơn, Núi Tượng, Phú Thịnh; H.Cẩm Mỹ có các xã: Sông Ray, Lâm San, Xuân Tây… cũng thiếu nước sạch, không chỉ tác động đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.
* Công trình hoạt động 50% công suất
Chia sẻ tại buổi giám sát công tác đầu tư và cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn H.Định Quán của Tổ Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị H.Định Quán vào đầu tháng 10, đại diện Sở NN-PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh có 88 công trình cấp nước nông thôn, trong đó có 56 công trình đang hoạt động hiệu quả, đạt 50% so với thiết kế; 26 công trình đã ngưng hoạt động, còn lại đang đầu tư.
Theo Sở NN-PTNT, các công trình cấp nước nông thôn hiệu quả chưa cao vì nhiều hộ dân chưa đấu nối nước sạch hoặc đấu nối nhưng không dùng. Giá nước sạch (đang áp dụng theo Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 23-7-2020 của UBND tỉnh về việc quy định giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ 7.211 đồng/m3 đến 13.972 đồng/m3) theo người dân là cao so với mức sống trung bình nên người dân chưa đăng ký. Vào mùa khô, một số công trình thiếu nước.
Sở NN-PTNT cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe; bố trí kinh phí bảo dưỡng công trình, thay thế thiết bị cải thiện chất lượng nước. Ngoài ra, địa phương có chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chi phí lắp đặt đồng hồ nước.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho rằng, để nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch từ các công trình cấp nước nông thôn, các sở, ngành cần tham mưu UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ giá nước, chi phí lắp đặt đồng hồ nước cho người dân khu vực nông thôn. Đơn vị quản lý, vận hành công trình nghiên cứu giải pháp để cải thiện tình trạng nước sạch nhưng lắng cặn, đá vôi. Bà Châu cho rằng, về lâu dài phải phát triển mạng lưới nước sạch khai thác từ nguồn nước sông vì nước ngầm ở H.Trảng Bom ngày càng suy giảm cả lượng lẫn chất.
Trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành Lâm Văn Minh cho biết, từ nay đến năm 2025, huyện sẽ đầu tư xây mới hệ thống cấp nước tập trung hồ Lộc An với tổng công suất 5 ngàn m3/ngày đêm với kinh phí gần 90 tỷ đồng; đấu nối, nâng cấp thiết bị xử lý tại công trình cấp nước nông thôn đang hoạt động với kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng. Huyện kiến nghị Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, Công ty CP Cấp nước hồ Cầu Mới sớm đầu tư các tuyến ống nhánh để phục vụ cấp nước cho người dân các xã.
Lê An