Những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 và những tác động của xung đột, biến động từ thế giới đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng.
Những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 và những tác động của xung đột, biến động từ thế giới đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng. Trong bối cảnh đó, các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị tiếp tục tìm được hướng đi mới, gia tăng hợp tác, đầu tư để nâng cao tiềm lực của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Nai. Ảnh: V.Thế |
Để phục hồi kinh tế sau thời gian khó khăn, Đồng Nai đã bám sát tình hình thực tế, ban hành và thực hiện các chính sách kịp thời nhằm đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn.
* Khắc phục khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh
Cùng với cộng đồng DN trên cả nước, từ đầu năm 2022 đến nay, các DN trong tỉnh bước vào giai đoạn chủ động thích ứng, linh hoạt để phục hồi, phát triển. Bức tranh sản xuất, kinh doanh của các DN khi bước vào năm 2022 có những thuận lợi. Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường sau thời gian “đóng băng” để chống dịch. Thị trường xuất khẩu trên thế giới phục hồi, hợp đồng xuất khẩu tăng cao.
Tuy nhiên, nhiều tháng gần đây lại xuất hiện khó khăn lớn đó là tình hình dịch bệnh, chính sách “zero Covid’’ tại Trung Quốc. Cùng với đó là xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang. Nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng xuất khẩu của DN.
Trong bối cảnh khó khăn, các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Công ty CP Đầu tư Diệp Nam Phương (H.Long Thành) được thành lập năm 2014, là công ty đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu và gia công chế tạo trên chất liệu thép không gỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế, thực phẩm với doanh thu hằng năm từ 200 tỷ đồng. Giám đốc công ty Nguyễn Hữu Thật cho hay, DN đang phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe và thời gian giao hàng nghiêm ngặt. Đặc biệt, các sản phẩm đều được nhập khẩu trực tiếp từ những nhà sản xuất có uy tín trên thế giới hiện nay.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa) là một trong những nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ có tiếng của Đồng Nai và vươn ra đầu tư tại Đà Nẵng. DN này đang đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Amata để nâng cao công suất, phát triển một cách chuyên nghiệp hơn. Ông Lê Huỳnh Đức, chủ DN cho hay, sau những khó khăn của dịch bệnh, tiến độ xây dựng nhà máy mới của DN đang được đẩy nhanh. Dự kiến sang đầu năm 2023, nhà máy mới trên diện tích hơn 2ha của DN sẽ đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để Huỳnh Đức đón nhận và tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.
* Hỗ trợ, đồng hành cùng DN
Khó khăn cũng là lúc các DN tìm ra những định hướng phát triển mới của mình. Từ cuối năm 2021, Công ty TNHH Thông Quan (TP.Biên Hòa) đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hùng Nhơn để tiếp tục nâng tầm DN của mình. Theo đó, 2 bên hướng tới hợp tác nhằm đầu tư phát triển, áp dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động logistics; dịch vụ ủy thác xuất - nhập khẩu, thủ tục hải quan; dịch vụ vận chuyển đa phương thức, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng; dịch vụ thương mại mua bán, xuất - nhập khẩu hàng nông sản, kết nối nhà cung cấp và phân phối trong nước và quốc tế; dịch vụ thuê kho bãi…
Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan Đặng Văn Điềm cho hay, điều này sẽ tạo ra cơ hội cùng phát triển lâu dài cho công ty. DN sẽ cùng với đối tác phối hợp chặt chẽ để thực hiện thành công các dự án khác trong tương lai, nhất là ở lĩnh vực vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng một cách tốt nhất.
Ở lĩnh vực cơ khí, chế tạo, Công ty CP Kết cấu thép GSB (H.Vĩnh Cửu) cũng đã triển khai hợp tác với NS BlueScope Lysaght Việt Nam (Lysaght), một tập đoàn lớn đến từ Australia. “Đổi mới trong công nghệ vật liệu xây dựng có thể giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất và xử lý vật liệu xây dựng gây ra. Việc hợp tác với Lysaght là một minh chứng cho thấy chúng tôi có đầy đủ năng lực để sản xuất cấu kiện thép đáp ứng yêu cầu khắt khe của các dự án cân bằng năng lượng. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu dài hạn của chúng tôi là không chỉ cung cấp cấu kiện thép chất lượng cao cho thị trường trong nước mà còn cả thị trường khu vực” - ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT GSB chia sẻ.
Sự phát triển của DN cũng là đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh, nhất là trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh DN nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh, chính quyền địa phương tại Đồng Nai đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng DN.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nhân, DN đối với sự phát triển của địa phương. Tỉnh cũng thấu hiểu những khó khăn mà DN đã và đang gặp phải, nhất là trong bối cảnh những diễn biến khó lường của thế giới vẫn tiếp diễn. Do đó, địa phương sẽ bám sát tình hình thực tiễn để chung sức cùng với cộng đồng DN trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Doanh nhân, DN sản xuất, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu chung của tỉnh. Trong thời gian tới, với hiệu ứng từ các dự án hạ tầng lớn là cơ hội để DN phát triển, nắm bắt thời cơ và địa phương sẽ nỗ lực cùng đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định.
Vương Thế