Báo Đồng Nai điện tử
En

Dùng nước sản xuất công nghiệp phải đóng tiền dịch vụ môi trường rừng

07:11, 03/11/2022

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và quyết định của UBND tỉnh, cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước phải trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp (hay còn gọi tiền dịch vụ môi trường rừng). Tiền này được tính vào giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và quyết định của UBND tỉnh, cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước phải trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp (hay còn gọi tiền dịch vụ môi trường rừng). Tiền này được tính vào giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước phải đóng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong ảnh: Sông Thị Vải đoạn qua Khu công nghiệp Gò Dầu (H.Long Thành). Ảnh: H.Lộc
Cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước phải đóng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong ảnh: Sông Thị Vải đoạn qua Khu công nghiệp Gò Dầu (H.Long Thành). Ảnh: H.Lộc

Thống kê trên địa bàn Đồng Nai hiện có 79 cơ sở sản xuất công nghiệp có khai thác nước mặt, nước ngầm thuộc đối tượng phải kê khai và nộp tiền nhưng một số doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện.

* 79 cơ sở thuộc đối tượng phải đóng tiền

 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp. Tiền này được hạch toán vào giá thành sản phẩm và không trùng với tiền thuế, phí nên không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN. Mức trả theo nghị định hướng dẫn thi hành luật là 50 đồng/m3, tính theo đồng hồ đo nước hoặc theo lượng nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc theo chứng từ mua bán nước giữa cơ sở sản xuất công nghiệp với đơn vị kinh doanh nước sạch.

Ngoài ra, Quyết định số 919/QĐ-UBND ngày 22-3-2021 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Đồng Nai cũng xác định đối tượng sử dụng dịch vụ là: cơ sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái phải đóng tiền dịch vụ môi trường rừng. Quyết định nêu rõ, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai chủ trì rà soát, cập nhật danh sách đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng làm cơ sở xây dựng kế hoạch thu tiền.

Theo ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai, tại Quyết định số 919 của UBND tỉnh có 59 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc đối tượng phải đóng tiền dịch vụ môi trường rừng. Năm 2022, quỹ tiếp tục rà soát và đề nghị bổ sung 20 cơ sở. Như vậy, đến nay đã thống kê được 79 cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải đóng tiền dịch vụ, tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho rằng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những chính sách đột phá của ngành Lâm nghiệp đã được luật hóa. Theo đó, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai là đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh. 90% số tiền thu được sẽ chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình cung ứng dịch vụ môi trường rừng nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

* Tăng cường phổ biến chính sách trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, luật, nghị định hướng dẫn thi hành luật và quyết định của UBND tỉnh đã quy định rõ đối tượng, mức chi trả và cách xác định số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2019, Sở NN-PTNT cũng đã mời các DN về phổ biến chính sách pháp luật, trách nhiệm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đa phần các DN tuân thủ tốt quy định về ký hợp đồng ủy thác, kê khai và đóng tiền nhưng một số DN kê khai và đóng tiền thiếu so với quy định, có DN chưa kê khai và chưa đóng tiền.

Chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh mới đây, ông Ko Chung Chih, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam cho rằng, công ty hoàn toàn ủng hộ chính sách thu phí dịch vụ môi trường rừng thông qua việc nộp đầy đủ phí đối với nguồn nước sử dụng từ hồ Cầu Mới từ năm 2019. Riêng đối với nguồn nước khai thác từ sông Thị Vải (khoảng 200 ngàn m3/ngày đêm theo giấy phép của Bộ TN-MT từ năm 2014) để làm mát máy móc, thiết bị công ty chưa kê khai đóng phí. Để có cơ sở pháp lý thực hiện, công ty kiến nghị ngành chức năng xem xét, làm rõ thêm các nội dung: đối tượng chịu phí dịch vụ môi trường rừng, bản đồ lưu vực sông Thị Vải, diện tích rừng cung ứng dịch vụ, căn cứ truy thu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, pháp luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sử dụng nguồn nước phải đóng phí phục vụ cho công tác bảo vệ và duy trì nguồn nước. Thời gian qua, các đơn vị tuân thủ khá tốt quy định này. Để có cơ sở bổ sung đối tượng nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo kết quả rà soát hằng năm, đề nghị Sở NN-PTNT dự thảo văn bản xin ý kiến của Bộ NN-PTNT trường hợp cụ thể Công ty CP Hữu hạn Vedan dùng nước sông Thị Vải làm mát máy móc có phải đóng tiền hay không? Nếu phải đóng tiền, có bị truy thu từ năm 2019 đến nay không? Trên cơ sở văn bản trả lời của Bộ NN-PTNT, công ty phải chấp hành quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Sở TN-MT, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng cung cấp, sử dụng dịch vụ biết, thực hiện.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều