Đến thời điểm này, thị trường và nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn trồi sụt. Các điểm bán xăng lẻ lúc có, lúc không và vẫn đang "gồng lỗ" khi các kho hàng tính đến ngày 5-11 vẫn báo chiết khấu từ 0-50 đồng trên mỗi lít xăng, dầu.
Đến thời điểm này, thị trường và nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn trồi sụt. Các điểm bán xăng lẻ lúc có, lúc không và vẫn đang “gồng lỗ” khi các kho hàng tính đến ngày 5-11 vẫn báo chiết khấu từ 0-50 đồng trên mỗi lít xăng, dầu. Nếu tính thêm cước vận chuyển, chi phí mặt bằng, chi phí nhân công, điện, nước, vốn, khấu hao tài sản, các loại thuế và nhiều chi phí không tên khác thì mỗi lít xăng, dầu, các cây xăng đang lỗ khoảng 600-1.000 đồng/lít.
Đáng nói là tình trạng này đã kéo dài suốt từ cuối năm 2021 đến nay. Giai đoạn đầu, để ứng phó với việc nhiều cây xăng hết xăng, Bộ Công thương chỉ đạo quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường rà soát, kểm tra, phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép các cây xăng ngưng bán không lý do hoặc “ghim hàng” chờ tăng giá.
Tuy nhiên, sau nhiều đợt kiểm tra, cơ quan chức năng ở hàng loạt tỉnh, thành phía Nam đều ghi nhận và báo cáo rằng các cây xăng ngưng bán là do… hết xăng thật sự chứ không phải “ghim hàng”, bởi làm gì có hàng để ghim?
Các câu hỏi về nguyên nhân vì sao xăng, dầu thiếu hụt trong tháng 10 vừa qua đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu đặt vấn đề về sự “lệch pha” trong điều hành thị trường xăng, dầu (về nguồn cung và giá cả) giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Song mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, mọi chuyện khá đơn giản, bán lít nào lỗ lít đó thì doanh nghiệp khó mà “gồng gánh” nổi. Cấp độ đầu mối nhập khẩu cho rằng, các chi phí premium (chi phí cơ bản tính trên mỗi thùng dầu nhập về cảng) đã từ lâu không được tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp. Do đó, với giá xăng, dầu hiện tại, doanh nghiệp đầu mối đang lỗ 6-7 USD/thùng dầu, tương đương 1 ngàn đồng/lít xăng, dầu. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng “siết” tín dụng và rục rịch tăng lãi suất nên “lỗ chồng lỗ”. Từ đó, ép xuống hệ thống phân phối bán lẻ lỗ theo.
Các doanh nghiêp có vốn nhà nước lớn trong ngành xăng, dầu (có cả chức năng nhập khẩu lẫn hệ thống đại lý riêng phủ rộng trên cả nước) như Petrolimex hay PV Oil đều báo lỗ nặng sau 10 tháng kinh doanh xăng, dầu trong bối cảnh đặc biệt khó khăn.
Có thể về sâu xa, việc điều hành này cũng góp phần làm giá xăng dầu không tăng mạnh (nếu tính đúng chi phí và nhịp lên xuống của giá dầu thế giới) và do đó bớt áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của thị trường, gây hụt nguồn cung thì làm sao doanh nghiệp có thể “gồng lỗ” mãi?
Tại nghị trường, Bộ Tài chính đề nghị giao hẳn việc quản lý thị trường xăng dầu cho Bộ Công thương, thay vì để như hiện nay (với sự tham gia điều hành, quản lý của 6 bộ và các địa phương). Điều này còn phải căn cứ các luật, quy định về giá cả, chi phí và nhiều vấn đề khác nên có lẽ cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để bình ổn lại thị trường đặc biệt này vẫn là lắng nghe nhiều phía, hài hòa lợi ích các bên, nhất là doanh nghiệp với người dân. Chỉ khi doanh nghiệp “sống” được, có đồng lời hợp lý để duy trì kinh doanh thì thị trường mới vận hành một cách bình thường.
Vi Lâm