Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng gần đây vẫn đang tiếp tục khi có ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên hơn 11%/năm, điều đó khiến lãi suất cho vay liên tục ở mức cao. Những diễn biến trên thị trường ngân hàng đang khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh lo lắng bởi sẽ bị tác động mạnh.
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng gần đây vẫn đang tiếp tục khi có ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên hơn 11%/năm, điều đó khiến lãi suất cho vay liên tục ở mức cao. Những diễn biến trên thị trường ngân hàng đang khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh lo lắng bởi sẽ bị tác động mạnh.
Mùa sản xuất cuối năm, doanh nghiệp đứng trước áp lực thiếu hụt dòng tiền trong khi vay ngân hàng rất khó khăn. Ảnh: V.Gia |
Khoản vay cũ bị đội chi phí vay lãi, việc vay mới càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn tiền của người dân đổ vào gửi ngân hàng cũng góp phần làm giảm nhu cầu mua sắm trên thị trường là những tác động đến sự hồi phục của DN.
* DN lo “cạn” dòng tiền
Từ đầu năm 2022 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã tăng từ 2-4% tùy từng ngân hàng. Theo đó, lãi suất cho vay cá nhân quanh 13% và DN tầm từ 8-10%. Áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn tiếp tục. Việc tăng lãi suất diễn ra ngay giai đoạn cuối năm khi các DN rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh. Những nhà nhập khẩu cũng phải mua USD giá cao dẫn đến giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng lên. Vì vậy, giá thành đầu ra sản phẩm cũng sẽ tăng lên.
Một DN hoạt động trên lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản cho biết, DN đang có khoản vay ngân hàng. Mức lãi suất cho vay DN khoảng 10% hiện tại đã rất cao nhưng nếu lãi suất tiếp tục tăng DN đã khó càng khó. Các ngành sản xuất vẫn đối diện với nhiều rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng bị ùn ứ khi xuất khẩu.
Nhiều DN đang chạy đua nước rút sản xuất cuối năm, lãi suất ngân hàng tăng thời gian qua là trở ngại lớn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. |
Lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất, khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá. Trong bối cảnh thị trường vẫn trầm lắng, DN sản xuất cầm chừng như hiện nay thì lãi suất tăng 1% cũng khiến DN phải vất vả tìm cách giải quyết.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại 939 (TP.Biên Hòa) Nguyễn Duy Khương nhận định, cùng với lãi suất ngân hàng đè nặng lên vấn đề tài chính, thời gian này DN của ông gặp phải những khó khăn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh cuối năm. Hiện tại, DN không biết phải làm thế nào để đối phó với nền kinh tế nhiều biến động. Lãi suất, tỷ giá thay đổi khiến các DN nói chung rất khan hiếm tiền mặt.
Với tình hình khó khăn về cả đơn hàng lẫn chi phí tăng hiện nay, khả năng sẽ có những đơn vị lựa chọn “ngủ đông” thay vì sản xuất, kinh doanh, ngay cả vào thời điểm nước rút cuối năm.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Nhựt Quang (TP.Biên Hòa) Vương Văn Nhật cho rằng, ngành vận tải đang phải chịu quá nhiều áp lực. DN của ông chuyên phục vụ vận tải hàng xuất khẩu, có bãi xe ở Biên Hòa và khu vực cảng Cát Lái (TP.HCM), thời gian gần đây dấu hiệu sụt giảm nhu cầu của các đối tác vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, DN vận tải vẫn đang phải gồng mình với các khoản chi phí cố định cho các đầu xe. Không chỉ vậy, nguồn phương tiện hiện rất khó khăn bởi công nợ từ các ngân hàng dao động từ 2- 4 tháng mới thanh toán.
* Vay đã khó, lại còn “lạc kèm bia”
Với các DN đang có kế hoạch đầu tư mới, lãi suất ngân hàng tăng cũng là một trở ngại. Chủ một DN chuyên cung ứng suất ăn công nghiệp cho nhiều đối tác sản xuất cho hay, dịp cuối năm ông dự tính đầu tư mở rộng công suất, đa dạng hóa dịch vụ nhưng hiện còn chờ vì nguồn vốn chưa có, mà để vay được thì rất khó khăn. Doanh nhân này cũng lo lắng khoản vay cũ đang thế chấp từ bất động sản của mình sắp đáo hạn, một khi đáo hạn có khả năng sẽ không được vay tiếp với các điều kiện tốt như trước.
Ngay cả việc “vay lại” tiền gửi của mình cũng không dễ. Bà Nguyễn Thị Hải (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có khoản tiền gửi ở một ngân hàng. Do cần vốn kinh doanh nên hiện tại bà đến vay lại một phần tiền gửi của mình cũng không được. Bức xúc với việc này, bà Hải cho hay, sẽ rút hết tiền gửi của mình mà không tiếp tục sử dụng dịch vụ của ngân hàng này nữa.
Không chỉ khó vay mà khách hàng vẫn còn tình trạng bị chèo kéo mua bảo hiểm. Cuối tháng 9, trong buổi tiếp xúc DN do UBND TP.Biên Hòa tổ chức, có DN trên địa bàn cho hay, việc vay vốn ngân hàng thời gian qua khó khăn, đồng thời khi tiếp cận thì có nhân viên ngân hàng tư vấn, để dễ vay cần phải mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ.
Về vấn đề “ép” khách vay mua bảo hiểm, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo khẳng định việc ép khách hàng mua bảo hiểm hay buộc khách hàng phải trả thêm phí giải ngân tiền mặt là bất hợp pháp.
Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã phát cảnh báo đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn và tăng cường kiểm tra, xử lý. Ngành ngân hàng cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng, khi có vấn đề, khách hàng cần chủ động liên hệ để được hỗ trợ, giải quyết.
Văn Gia