Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao cần liên kết sản xuất?

07:11, 07/11/2022

Liên kết sản xuất sẽ giúp những nông dân đơn lẻ có cơ hội mua nguyên liệu đầu vào, bán sản phẩm với mức giá tốt, đó là chia sẻ của các đơn vị cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản tại hội thảo Hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) gắn với tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây.

Liên kết sản xuất sẽ giúp những nông dân đơn lẻ có cơ hội mua nguyên liệu đầu vào, bán sản phẩm với mức giá tốt, đó là chia sẻ của các đơn vị cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản tại hội thảo Hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) gắn với tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây.

Sơ chế ca cao tại xã An Viễn (H.Trảng Bom), dự án hợp tác giữa HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn với Công ty CP Bamboo Capital. Ảnh: B.Mai
Sơ chế ca cao tại xã An Viễn (H.Trảng Bom), dự án hợp tác giữa HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn với Công ty CP Bamboo Capital. Ảnh: B.Mai

Cũng theo các ý kiến, khi tham gia vào các mô hình KTTT, người nông dân tiếp cận dễ hơn với các nguồn tín dụng ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm năng cao năng suất, thu nhập.

* Dễ mua vật tư đầu vào, bán sản phẩm giá tốt

Chia sẻ tại hội thảo nói trên, ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Đơn vị thu mua nông sản chế biến, xuất khẩu quy mô lớn không thể tìm đến từng hộ dân đặt hàng mà phải thông qua tổ chức đại diện. Tương tự, nông dân muốn sản phẩm làm ra bán chạy, giá tốt. Nhà sản xuất, cung ứng vật tư cũng muốn dành ưu đãi cho khách hàng bền vững. Để giúp nông dân cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động đồng thời hướng dẫn nông dân xây dựng và tham gia vào các mô hình KTTT như: HTX, tổ hợp tác, CLB năng suất cao, hội nghề nghiệp và nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Bà DƯƠNG THỊ VIỆT HƯƠNG, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh cho rằng, thời gian qua, hệ thống bưu điện của Đồng Nai đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhiều tỉnh, thành nhưng Đồng Nai lại chưa có sản phẩm đưa ra tỉnh bạn tiêu thụ, trên sàn thương mại điện tử của bưu điện cũng thiếu nhiều sản phẩm nông nghiệp. Bưu điện sẽ hỗ trợ đưa lên sàn, thiết kế hình ảnh kèm thông tin quảng cáo, vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng đối với những sản phẩm đã được Hội Nông dân hoặc Sở Công thương chứng nhận chất lượng là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hoặc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhiệm vụ của các đơn vị KTTT, nông dân là sản xuất sản phẩm chất lượng tốt.

Cùng chia sẻ vấn đề này, ông Trần Quốc Huy, Phó giám đốc Quỹ Trợ vốn phát triển HTX (Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai) cho rằng, liên kết giữa các nông dân với nhau, HTX cùng ngành nghề, HTX với doanh nghiệp (DN) ngày càng nhiều. Sự hợp tác này đã khắc phục được một số mặt hạn chế của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững; DN thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo ông Huy, hiện nay Trung ương và tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ các đơn vị KTTT như vay vốn lãi suất ưu đãi; đầu tư, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

Ở góc độ DN, ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) cho biết, công ty đang hợp tác với một số trang trại chăn nuôi để xử lý chất thải và sản xuất phân bón hữu cơ. Tham vọng của công ty là đồng hành với nhiều nông dân xây dựng nền nông nghiệp bền vững bằng cách phát triển sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, vừa khắc phục ô nhiễm môi trường vừa tạo ra phân bón chất lượng, giá cả phù hợp.

“Chúng tôi rất muốn hợp tác lâu dài với các bác nông dân, CLB, tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Một mặt chúng tôi có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất phân bón, một mặt chúng tôi có nơi tiêu thụ sản phẩm là cánh đồng, vườn cây. Sự hợp tác này đem lại lợi ích kinh tế, môi trường cho cả đôi bên” - ông Tính chia sẻ.

* Tuân thủ trách nhiệm khi hợp tác

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn (H.Trảng Bom) cho rằng, HTX là nơi hữu ích với nông dân. Thông qua HTX nông dân được mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của công ty với giá tốt, một số đơn vị còn đưa kỹ sư đến vườn hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc đạt hiệu quả. HTX cũng đứng ra ký hợp đồng với DN để nông dân không phải lo đầu ra, giá cả. Theo ông Giang, từ khi tham gia HTX, ông bỏ suy nghĩ sản xuất phải thâm canh, tăng năng xuất. Ông tuân thủ bón phân, dùng thuốc theo liều lượng nên “sức khỏe” của cây, của đất khác hẳn.

Theo đánh giá chung, các đơn vị KTTT đã bước đầu phát huy vai trò với người nông dân thông qua hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tạo ra vùng nguyên liệu ổn định để thu hút DN tham gia đầu tư hoặc hợp tác sản xuất. Hưởng ưu đãi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và DN. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn như nông dân chưa tuân thủ bán sản phẩm theo giao ước dẫn đến phá vỡ hợp đồng, thiếu nguồn lực đầu tư kho bãi và nơi trưng bày sản phẩm, chi phí đầu vào biến động liên tục theo hướng tăng, phía đối tác tiêu thụ chậm thanh toán gây khó khăn cho nông dân.

Ông Lê Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Donafarm (H.Trảng Bom) cho rằng, thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) phải đi Úc, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) sang tận châu Âu, Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) đầu tư điểm bán hàng hoành tráng ở TP.HCM nhưng vẫn chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm.

Ông Dũng cho rằng, hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững là xây dựng và hỗ trợ đơn vị KTTT thành trung tâm kết nối giữa nông dân với DN. Tổ chức sản xuất lại theo một chuỗi giá trị, các bên phải thống nhất và chịu trách nhiệm kế hoạch sản xuất, thu hoạch, chế biến đến phân phối. Đây là cách giúp DN có nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng và giá thành sản xuất, nông dân cũng có đầu ra ổn định.

“Tôi cho rằng nông dân, các đơn vị KTTT cần đổi mới chính mình, đảm bảo sản lượng và chất lượng hàng hóa khi tham gia mối liên kết với DN. Về phía DN cũng phải hỗ trợ nông dân vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư cho khâu chế biến và quảng bá để sản phẩm có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản” - ông Dũng bày tỏ.

Liên kết giữa nông dân với nhau, giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Khi đó, nông dân sẽ giảm được mối lo đầu ra và giá cả, đơn vị hợp tác cũng không lo thiếu nguyên liệu chế biến, tiêu thụ nhưng với điều kiện các bên phải ràng buộc và tuân thủ tốt trách nhiệm.

Ban Mai

Tin xem nhiều