Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai có nhiều địa phương định hướng phát triển thành phố, đô thị lớn. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai có nhiều địa phương định hướng phát triển thành phố, đô thị lớn. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Du khách tham quan mô hình du lịch vườn tại nhà vườn ở TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên |
Theo đó, những địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam đã đặt mục tiêu thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhiều mô hình hay
Vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai gồm 7 địa phương: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần H.Vĩnh Cửu. Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam với nhiều loại hình; phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sản xuất ra theo hướng sạch, áp dụng quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa; cải thiện cảnh quan đô thị, góp phần ổn định môi trường sinh thái.
Ngoài thu hút đầu tư vào sản xuất, các vùng nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững. |
Tùy vào lợi thế, đặc thù riêng mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho nông nghiệp đô thị của tỉnh. Tiêu biểu như: hình thành vùng sản xuất rau an toàn và rau sạch, ứng dụng công nghệ cao; phát triển loại hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, hoa cây cảnh, cá cảnh; các loại hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái hoạt động có hiệu quả...
Thời gian qua, một số địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nguồn quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên định hướng phát triển đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; phát triển công nghiệp chế biến...
Tiêu biểu, H.Nhơn Trạch tận dụng thế mạnh riêng để phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ công nghệ cao. Hiện tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đạt gần 1,7 ngàn ha. Trong đó, toàn huyện có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao với lợi nhuận có thể đạt 1-1,5 tỷ đồng/ha. Địa phương này đang tiếp tục tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh; thu hút nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Ngoài ra, các mô hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường được khuyến khích nhân rộng.
Ông Tống Văn Sỹ, nông dân nuôi cá đặc sản, cá kiểng tại làng cá bè P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, từ trước đến nay, bè cá chủ yếu nuôi các loại cá cảnh, đặc biệt tập trung vào dòng cá Koi vì cho giá trị cao, đầu ra tương đối ổn định.
Theo ông Sỹ: “Nhờ kinh nghiệm nuôi lâu năm, bè cá tự sản xuất được con giống, xây dựng quy trình nuôi đến ra sản phẩm nên tỷ lệ cá đạt cao. Mặt khác, dòng cá kiểng do ít người đầu tư, nhu cầu của thị trường về sản phẩm cá kiểng ngày càng lớn nên bè nuôi luôn đạt lợi nhuận tốt dù thời gian qua, thị trường cá thương phẩm gặp nhiều biến động”.
Rộng cửa đón nhà đầu tư
Với mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, các vùng nông nghiệp đô thị Tây Nam trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút nhà đầu tư, góp phần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với định hướng xây dựng H.Long Thành thành đô thị sân bay, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết, địa phương đang tập trung đầu tư hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Do quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của H.Long Thành ngày càng thu hẹp, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế cạnh tranh cao. Hiện địa phương đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
TP.Long Khánh có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn. Từ năm 2018 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tập trung phát triển mô hình du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với làm nông nghiệp thuần túy.
Anh Vũ Bảo Giang, Tổ trưởng Tổ Hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc chia sẻ, Tổ Hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc thành lập đã thu hút nhiều thành viên tham gia cùng nhau phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn thông qua các hoạt động tham quan, dịch vụ vườn. Điều kiện thuận lợi để nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình này là chính quyền địa phương rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đầu tư.
Bình Nguyên