Thời gian gần đây, các hoạt động bán hàng, xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa thông qua các trang TMĐT có xu hướng tăng.
Thời gian gần đây, các hoạt động bán hàng, xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa thông qua các trang TMĐT có xu hướng tăng.
Một chương trình tập huấn về thương mại điện tử xuyên biên giới do Sở Công thương phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) và Amazon Global Selling Việt Nam (thuộc Tập đoàn Amazon) tổ chức vào tháng 11-2022. Ảnh: H.Hà |
Phương thức này còn nhiều mới mẻ, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới khi các kênh TMĐT ngày càng nở rộ và phát triển.
* Mở ra cơ hội cho DN nhỏ và vừa
Cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, các kênh TMĐT xuyên biên giới là giải pháp có nhiều tiềm năng giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Không nằm ngoài xu thế, ở trong nước, những năm gần đây TMĐT đã có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Công thương, năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; quy mô thị trường bán lẻ B2C (hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa giữa DN và người tiêu dùng), TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm…
Với hoạt động xuất khẩu theo mô hình B2C, theo dự báo của Amazon Global Selling Việt Nam, doanh thu xuất khẩu B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 ngàn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 ngàn tỷ đồng trong
5 năm tới.
Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam Nguyễn Ngọc Hoàng Nam chia sẻ, Amazon phủ sóng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, khi bán hàng trên Amazon, DN có thể tiếp cận các tệp khách hàng trên các thị trường của Amazon. Có thể nói, TMĐT là phương thức nhanh chóng và thuận tiện giúp DN tiếp cận trực tiếp với khách hàng toàn cầu với thương hiệu sản phẩm của chính DN. Trong đó, các DN nhỏ và vừa là đối tượng phù hợp để phát triển các nền tảng kinh doanh trực tuyến, bán hàng xuyên biên giới trên Amazon.
Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành nhận định, bên cạnh sự phát triển TMĐT ở thị trường trong nước, tốc độ tăng trưởng về TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam những năm gần đây phát triển khá tốt. Đơn cử, theo số liệu từ Amazon, số lượng các DN tham gia bán hàng xuyên biên giới trên sàn TMĐT này trong năm 2021 tăng khoảng 15% so với năm 2020. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT và TMĐT xuyên biên giới nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra nhiều cơ hội để các DN Việt tiếp cận, mở rộng thêm thị trường dựa trên sự phát triển của nền tảng số.
* Cần trang bị đủ các kỹ năng, kiến thức
Trên thực tế, TMĐT xuyên biên giới ở Việt Nam với DN xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất - nhập khẩu và các nền tảng TMĐT quốc tế. Bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐT xuyên biên giới vẫn tồn tại những bất cập với các DN Việt Nam như: thông tin, năng lực, chi phí, quy định, kiến thức về marketing, vấn đề bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới...
Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ thêm, DN làm TMĐT xuyên biên giới cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng TMĐT nước sở tại, đồng thời cần chủ động cập nhật những ưu đãi, lợi thế đối với các FTA có hiệu lực ở các thị trường xuất khẩu. Từ đó, tìm hiểu kỹ các thông tin, chọn lựa các sản phẩm phù hợp với thị trường mà DN hướng tới để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chất lượng, mẫu mã theo đúng chuẩn của nhà nhập khẩu, cũng như yêu cầu, thị hiếu, quy định về sản phẩm của thị trường nước ngoài. Ngoài ra, các khâu cung ứng, tiếp thị, tiếp cận các nền tảng về TMĐT xuyên biên giới cũng cần các DN địa phương lưu ý để bán hàng xuyên biên giới…
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động như hiện nay, các DN cần đa dạng hóa các kênh xuất khẩu, trong đó một trong những kênh mới và có nhiều tiềm năng là TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên, trên thực tế, các chi phí, tỷ lệ chiết khấu khi các DN đưa sản phẩm lên các kênh TMĐT xuyên biên giới vẫn còn cao so với xuất khẩu trực tiếp nên có sự điều chỉnh phù hợp để các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được các kênh bán hàng này nhiều hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Nam cho biết thêm, các mặt hàng có nhiều lợi thế xuất khẩu của Việt Nam trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như: các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nội - ngoại thất, thực phẩm, nông sản khô… Để các DN nhỏ và vừa, DN địa phương tiếp cận được thị trường thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, các DN cần tìm hiểu kỹ thị trường, lưu ý đảm bảo chất lượng, các giấy tờ, thủ tục liên quan đến xuất khẩu vào nước sở tại, cũng như tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền sản phẩm, hình ảnh…
“TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” là sáng kiến do Amazon Global Selling Việt Nam khởi xướng, được sự bảo trợ của Bộ Công thương. Đây là chương trình giúp các DN, người kinh doanh, nguồn nhân lực trẻ của tỉnh và một số địa phương lân cận nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm đến thị trường toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới. Từ tháng 6-2022 đến nay, đã có 9 chương trình tập huấn theo chủ đề này được Cục TMĐT và kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức tại các địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. |
Hải Hà