Năm 2022 kết thúc với nhiều khó khăn bủa vây các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động trên thị trường quốc tế, các DN phải nỗ lực khắc phục, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.
Năm 2022 kết thúc với nhiều khó khăn bủa vây các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động trên thị trường quốc tế, các DN phải nỗ lực khắc phục, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.
Theo các DN, tìm giải pháp duy trì sản xuất, có việc làm để giữ chân người lao động khi bước vào năm mới là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Tuy các DN có sự chủ động nhưng vẫn mong Chính phủ tiếp tục gia hạn, triển khai thêm các chương trình hỗ trợ.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép GSB. Ảnh: V.Thế |
* Nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh
Khép lại năm cũ, các DN trong KCN ở Đồng Nai đã bắt đầu triển khai kế hoạch năm 2023. Dù có nhiều khó khăn nhưng mỗi DN đều linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn này.
Tại Công ty CP Chien You Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất phương tiện vận tải chuyên dùng, bồn LPG, thùng chứa, rơ moóc các loại và mua bán vật tư, nguyên liệu của ngành vận tải, cán bộ, công nhân viên công ty đang nỗ lực và đặt hy vọng khi mùa sản xuất mới bắt đầu. So với nhiều đơn vị khác, Chien You đã có những chuyển biến tích cực hơn trong ngành logistics. Công ty thích ứng theo hướng tạo ra ngách mới trong ngành logistics để công nhân có việc làm ổn định và đón Tết cổ truyền trọn vẹn.
Theo ông Hà Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chien You Việt Nam, công ty tìm một hướng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động. Tuy sản xuất của Chien You đang bị ảnh hưởng nhưng công ty vẫn cho lao động làm hàng dự trữ để chờ cơ hội phục hồi. Bên cạnh đó, DN cũng mở ra mảng cơ khí mới để người lao động có việc làm, không bị giảm sút thu nhập. “Dù có khó khăn nhưng chế độ, chính sách cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán này công ty vẫn giữ được như các năm trước” - ông Dũng khẳng định.
Tương tự, Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn On Semiconductor của Mỹ) ở KCN Biên Hòa 2 chuyên sản xuất phụ tùng ô tô đang dự kiến mở rộng quy mô sản xuất gấp 4 lần hiện tại... Ông E Mohanagumaran M Elanjaran, Tổng giám đốc công ty cho biết, từ khi thành lập nhà máy tại Đồng Nai, các cấp, ngành của tỉnh luôn tạo điều kiện để công ty phát triển. DN đang tiếp cận nhà sản xuất ô tô của Việt Nam là VinFast để mở ra cơ hội hợp tác, cung ứng sản phẩm cho đối tác mới của mình.
Trong khi đó, năm 2022, Nhà máy sản xuất thạch dừa Vinacoco (KCN Hố Nai) đầu tư rất nhiều trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển. Năm 2023, dù còn những tác động tiêu cực từ thị trường thế giới nhưng ông Trần Văn Hải, Giám đốc nhà máy cho rằng việc quan trọng là linh hoạt, tìm các giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất có thể, thử nghiệm nhiều phương án mới để tăng doanh thu và giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* Tiếp sức để DN vượt khó
Ban Quản lý các KCN Đồng Nai nhận định, nửa đầu năm 2023, nhiều DN trong KCN sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề vì các đơn hàng bị cắt giảm do kinh tế toàn cầu suy thoái. Để hỗ trợ DN, Ban đã tổ chức lấy ý kiến, khảo sát tình hình khó khăn và những kiến nghị, đề xuất của DN đối với Nhà nước, địa phương.
Theo đó, ý kiến chung của các DN là cần có thêm các gói hỗ trợ để DN và người lao động vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất; kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2023. Đồng thời, ban hành thêm các quy định và chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn như: giảm thuế, miễn các loại phí, lệ phí, giảm tải áp lực lên DN; có chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn thu nhập không ổn định. Xem xét giảm giá điện, nước, phí sử dụng hạ tầng, giảm thuế thu nhập DN, giảm mức đóng bảo hiểm cho người lao động; miễn đóng quỹ phòng chống thiên tai, quỹ Công đoàn... Song song đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu… để DN có thể tiếp nhận nguồn nguyên vật liệu nhanh nhất và xuất khẩu thuận lợi.
Theo ông Võ Tấn Lộc, Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép GSB (KCN Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), dòng tiền dành luân chuyển trong sản xuất, kinh doanh của hầu hết các DN đang có vấn đề. Đối với GSB hiện nay, giữ được việc làm và chăm lo cho người lao động được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhưng chỉ riêng sự nỗ lực của DN thôi thì chưa đủ, mà cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức liên quan.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, để hỗ trợ kinh tế nói chung, các DN nói riêng, Quốc hội và Chính phủ cần xem xét và sớm ban hành chương trình phát triển kinh tế giai đoạn 2023-2025 phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới. Đặc biệt là việc các nước đã và đang nhập khẩu hàng của Việt Nam có tình hình lạm phát khá cao. Đồng thời, tìm giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường mới, giảm bớt lệ thuộc vào những thị trường xuất khẩu lớn đang gặp khó khăn. Các giải pháp cần phải đồng bộ để DN từng bước ổn định, duy trì sản xuất; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Vương Thế