Trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 10-1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6-2022.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 10-1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6-2022.
Về tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2023, WB dự báo sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng ở Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ ở mức vừa phải do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn chậm lại. Theo đó, dự kiến tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,3%, của Philippines đạt 5,4%, Malaysia là 4%, Thái Lan đạt 3,6%. Với Indonesia, WB dự báo tăng trưởng đạt mức trung bình 4,9% trong 2 năm (2023-2024) (nguồn: Báo điện tử Chính phủ).
Năm 2023, mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở gần "bờ vực suy thoái" mà nguyên nhân là chịu ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất, giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát; xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với việc các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, bắt đầu từ quý III-2022, nhiều thử thách đã lộ diện, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu, trong đó có những ngành đặc biệt khó khăn như may mặc, giày dép, gỗ xuất khẩu… do bối cảnh quốc tế bất lợi: lạm phát toàn cầu gia tăng, các chuỗi cung ứng đứt gãy, giá xăng dầu biến động mạnh, giá nguyên vật liệu trồi sụt, các ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine. Những ảnh hưởng đó đã hiển hiện rõ: nhiều doanh nghiệp phải thực hiện giãn ca, giảm giờ làm của công nhân… và một mùa tết không mấy sôi động của thị trường bán lẻ, dịch vụ vừa qua cho thấy người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và doanh nghiệp đang ngày càng khó bán hàng hơn.
Dựa trên những dự đoán này, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì thách thức đã được nhận diện rõ, và cơ hội cũng đan xen.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cần được triển khai ngay. Trong đó quan trọng nhất là các kênh tiếp cận vốn tín dụng lãi suất “phải chăng” phải được khơi thông, các kênh bán hàng trong và ngoài nước cần được mở rộng thêm để tránh lệ thuộc lớn vào một số thị trường truyền thống, các chính sách đặc thù để làm giảm thiểu tác động bất lợi từ thị trường quốc tế… Ngoài ra, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần củng cố nội lực, sắp xếp lại sản xuất, giảm chi phí, tăng cạnh tranh vì theo dự kiến, 2023 vẫn sẽ là một năm nhiều sóng gió của kinh tế toàn cầu.
Vi Lâm