Năm 2022, sản xuất nông - lâm - thủy sản phục hồi mạnh mẽ, bứt phá vươn lên trong khó khăn. Tổng sản phẩm nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt trên 22,7 ngàn tỷ đồng, tăng 3,86%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cao hơn bình quân chung cả nước.
Năm 2022, sản xuất nông - lâm - thủy sản phục hồi mạnh mẽ, bứt phá vươn lên trong khó khăn. Tổng sản phẩm nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt trên 22,7 ngàn tỷ đồng, tăng 3,86%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cao hơn bình quân chung cả nước.
Nông dân xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) thu hoạch xoài nghịch vụ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: B.Nguyên |
Đây cũng là năm ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trong triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nhiều mục tiêu lớn khác của ngành.
* Đạt nhiều kỷ lục
Trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do vẫn bị ảnh hưởng của hậu dịch bệnh Covid-19 và tác động từ tình hình thế giới, sản xuất nông - lâm - thủy sản vẫn phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi đóng góp tỉ trọng gần 9,3% trong GRDP toàn tỉnh.
Trong năm, toàn tỉnh có thêm 31 xã NTM nâng cao, 13 xã NTM kiểu mẫu, đạt kỷ lục về số xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu từ trước đến nay. Lũy kế đến nay, tỉnh có 96 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 21 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt trên 70% so với mục tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng Nai hiện có số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đứng thứ 2 cả nước, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ấn tượng nhất là thu nhập của người dân nông thôn năm 2022 ước đạt gần 64,7 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 7,4% so với năm 2021.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, có rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022, nhưng các địa phương của tỉnh vẫn đạt kết quả ấn tượng. Các xã về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022 hầu như không còn hộ nghèo. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2022 đạt hơn 143,8 ngàn tỷ đồng, chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa.
* Dẫn đầu Đông Nam bộ về sản phẩm OCOP
Năm 2022, toàn tỉnh có thêm 57 sản phẩm được công nhận OCOP, vượt 14% so với chỉ tiêu kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP của 75 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong năm 2022, Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung với khoảng 300 vùng, 92 ngàn ha làm cơ sở tổ chức sản xuất tập trung, bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 197 chuỗi liên kết với sự tham gia của 101 doanh nghiệp, 64 HTX, 35 cơ sở giết mổ, sản xuất, kinh doanh và gần 13,6 ngàn hộ sản xuất. |
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ nhận xét, điểm nhấn của các sản phẩm đạt sao OCOP trong năm 2022, các chủ thể đã chú trọng nâng cao chất lượng, có sự chuyển biến tốt trong đầu tư về mẫu mã, bao bì, nhất là có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm nay cũng minh chứng cho chất lượng thương hiệu của các làng nghề ở các địa phương. Đây là thành quả của sự phối hợp tốt giữa ngành Nông nghiệp và các địa phương trong quá trình hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ cơ sở tham gia chương trình.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các chủ cơ sở OCOP đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản, giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng, hướng tới xuất khẩu.
Sở NN-PTTNT đã kịp thời thông tin dự báo thị trường để nông dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất, kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2022, trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Sở NN-PTNT đã phối hợp với TP.Long Khánh và doanh nghiệp tổ chức lễ ra quân xuất khẩu nông sản chế biến đầu năm 2022. Đặc biệt, Tuần lễ tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam tại TP.Long Khánh đã tiêu thụ trên 60 tấn trái cây tươi và nông sản chế biến. Thông qua hoạt động tôn vinh và trao danh hiệu cho những doanh nghiệp, HTX, nông dân tiêu biểu nhằm cổ vũ, lan tỏa những tấm gương, điển hình tiên tiến, sáng kiến trong lao động sản xuất nông nghiệp; giúp nâng tầm thương hiệu trái cây tỉnh Đồng Nai.
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được triển khai sâu rộng. Bà Bùi Thu Bình, chủ Cơ sở chế biến giò chả Thu Bình (H.Long Thành) chia sẻ: “Nhờ chương trình hợp tác giữa Sở NN-PTNT và Công ty TNHH MM Mega Market, hiện sản phẩm của cơ sở đã được bày bán tại 21 trung tâm MM Mega Market trong cả nước. Việc kết nối đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị lớn có ý nghĩa rất quan trọng với các đơn vị sản xuất vì không chỉ hỗ trợ mở rộng kênh phân phối mà qua đó còn giúp khẳng định về uy tín, chất lượng sản phẩm”.
Với kết quả đã đạt được trong năm 2022, năm 2023 này, ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng từ 3-3,5%. Ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nhất là xây dựng thương hiệu sản phẩm tỉnh, vùng, quốc gia. Nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản.
Bình Nguyên