Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ nghịch lý thiếu nhà giá rẻ, thừa nhà giá cao

08:02, 21/02/2023

Một gói tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trị giá 120 ngàn tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" vào ngày 17-2.

Một gói tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trị giá 120 ngàn tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" vào ngày 17-2.

Ngay sau đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có buổi làm việc với nhóm Big 4 (nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất cả nước) để bàn giải pháp thực hiện chủ trương này. Khi chính thức triển khai thì chương trình sẽ có đơn vị đầu mối đứng ra theo dõi và tổ chức thực hiện, nếu nhiều ngân hàng khác cũng tham gia thì gói hỗ trợ này sẽ lớn hơn.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia gói hỗ trợ đặc biệt này bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp, bên cạnh đó là điều tiết tiền tệ, chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất…

Gói tín dụng này được đề xuất trong bối cảnh thị trường BĐS cả nước đang đi xuống sau một thời gian phát triển “nóng”, song lại chỉ phát triển ở phân khúc nhà ở cao cấp, trung cấp… dành cho người giàu, người đầu cơ mua đi bán lại chứ không “nhắm” vào đối tượng có nhu cầu ở thực sự.

Trong 8 vấn đề lớn của thị trường BĐS mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra thì 2 vấn đề đầu tiên liên quan đến sự mất cân đối này. Vấn đề thứ nhất là cơ cấu cung - cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Thứ hai là giá cả BĐS đang không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người.

Việc các tập đoàn, công ty BĐS chỉ “chăm chăm” đầu tư vào phân khúc của người giàu, bỏ rơi đối tượng khách hàng có nhu cầu ở thực sự lớn nhất (công nhân, người bình dân ở đô thị, nhân viên văn phòng, công chức nhà nước…) có nhiều nguyên nhân khác nhau, song tựu trung lại là làm BĐS phân khúc cao cấp thì lợi nhuận cao hơn. Song nếu “người người, nhà nhà” đều đổ xô vào phân khúc này thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu.

Hơn lúc nào hết, thời điểm này, ngoài việc tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nói chung, cũng cần tính toán thực hiện quyết liệt “ngay và luôn” việc “kéo” các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để thực hiện có hiệu quả đề án Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Nếu Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và tất cả các doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan đều vào cuộc mạnh mẽ thì trong 5-10 năm tới có thể thị trường BĐS sẽ phát triển lành mạnh, bền vững hơn và người nghèo không còn phải “ngóng” nhà giá rẻ, trong khi các dự án BĐS cao cấp lại nằm “đắp chiếu” chờ mua.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều