Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường

07:02, 18/02/2023

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, ngành sản xuất gỗ hiện tại đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn. Các dự báo cho thấy vào giữa năm nay, cùng với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu thì sản xuất gỗ sẽ từng bước ổn định trở lại.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, ngành sản xuất gỗ hiện tại đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn. Các dự báo cho thấy vào giữa năm nay, cùng với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu thì sản xuất gỗ sẽ từng bước ổn định trở lại.

 Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực làm mới mình, tìm thêm thị trường cũng như mở rộng hơn ở phân khúc nội địa.

* Chờ triển vọng tích cực hơn

Theo các DN ngành gỗ, so với thời điểm cuối năm 2022, hiện đơn hàng cho ngành gỗ xuất khẩu đã bắt đầu có khởi sắc. Năm trước, ngành gỗ gặp nhiều khó khăn, sản xuất và xuất khẩu đều suy giảm mạnh là do sản phẩm tồn kho lớn nên các nhà nhập khẩu rất ít mua hàng, vì phải tập trung giải phóng hàng tồn. Hiện tại, nguồn hàng tồn trước đó cơ bản đã được giải phóng gần hết nên các nhà nhập khẩu đang bắt đầu nhập hàng trở lại.

Bên cạnh đó, phí vận chuyển hàng hóa trên thế giới đang giảm sâu cũng là động lực thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ tốt hơn. Trước đây, một container gỗ (loại 40 feet) vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ có mức phí rất cao, từ 20-22 ngàn USD thì nay giảm hơn 10 lần. Việc giảm cước vận tải biển quốc tế giúp cho DN mạnh dạn hơn trong tìm thị trường thay vì co hẹp lại để bảo toàn nguồn vốn.

Ngoài ra, khi đứng trước khó khăn ở những thị trường trọng điểm như Âu - Mỹ, các DN ngành gỗ nỗ lực tìm đơn hàng từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á và tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường trong nước. Một số DN cũng đã gia tăng xuất khẩu mặt hàng viên nén gỗ để làm chất đốt trong bối cảnh thế giới thiếu nguồn cung năng lượng do xung đột, chiến sự.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhận định, trong quý I-2023, thị trường gỗ vẫn còn chịu sức ép. Sang quý II, dự kiến các đơn hàng cơ bản được khôi phục khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

* Hướng tới sản phẩm chất lượng cao

Theo các DN làm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không phải không có cơ hội để phát triển. Điều quan trọng là các DN phải nỗ lực để xoay chuyển tình thế, thay vì làm các mặt hàng truyền thống, giá trị thấp thì cần tính đến mặt hàng phân khúc cao cấp hơn. Dù đơn hàng bán ra có thể không được như trước song giá trị mang lại sẽ cao hơn.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S furniture (Bình Dương) chia sẻ: “Hơn 3 năm qua, dịch bệnh và tình hình căng thẳng ở một số nơi trên thế giới khiến thị trường gỗ toàn cầu sụt giảm sâu, ảnh hưởng rất lớn đến DN ngành gỗ. Để trụ vững, công ty đã có sự chuyển hướng tập trung vào phân khúc cao cấp để bán qua thị trường Mỹ. Tuy giảm số lượng sản phẩm nhưng doanh thu vẫn tăng. Sản xuất sản phẩm chất lượng cao, DN ký hợp đồng lâu dài, góp phần xây dựng thương hiệu”.

Chăm chút cho sản phẩm, hướng tới phân khúc chất lượng cao cũng là giải pháp mà bà Nguyễn Thị Vịnh, chủ thương hiệu gỗ Xuân Bắc (TP.Biên Hòa) đang thực hiện. Thương hiệu này vừa khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm lớn ở mặt tiền xa lộ Hà Nội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm gỗ nội thất đến khách hàng. Tập trung vào thị trường nội địa, nhất là những người có thu nhập cao với các đơn hàng giá trị lớn, năm nay, mục tiêu của gỗ Xuân Bắc là cung cấp sản phẩm cho 3 ngàn khách hàng với mặt hàng chủ yếu là bàn ghế nội thất.

Bên cạnh nâng cao chất lượng thì DN cũng tái cấu trúc lại mô hình hoạt động của mình. Ông Phạm Văn Sinh, chủ một DN chế biến gỗ ở Trảng Bom, đã quyết định mở rộng sang lĩnh vực cung ứng nguyên liệu gỗ. Theo ông Sinh, hiện nay, việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ yêu cầu rất cao, về nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những khách hàng lớn ở những nước phát triển. Việc nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu gỗ để cung ứng cho các nhà sản xuất là hướng đi và cũng là cơ hội tái cấu trúc trong tình hình khó khăn.

Chuẩn bị diễn ra hội chợ ngành gỗ quy mô lớn

Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25-2 tới. Hội chợ có quy mô 1,6 ngàn gian hàng, gần 200 nhà sản xuất nội thất xuất khẩu hàng đầu tham gia cùng hàng loạt hoạt động kết nối giao thương. Sau lễ bế mạc, từ ngày 25 đến 28-2, Ban tổ chức còn triển khai các tour tham quan nhà máy giúp nhà mua hàng quốc tế có thêm cơ hội tiếp cận trực tiếp, đánh giá quy mô của các nhà máy sản xuất lớn tại TP.HCM cùng các tỉnh lân cận.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Báo giá sàn nhựa vinyl Báo giá Giường chữ x gỗ Gụ đẹp, độc đáoThiết kế nội thất Phong cách Wabi Sabi nét đẹp thẩm mỹMua Trống trường uy tínĐơn vị bán máy làm mộng giá tốt