Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi được cho là giải pháp tăng sức cạnh tranh cho ngành này trong giai đoạn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong chăn nuôi được cho là giải pháp tăng sức cạnh tranh cho ngành này trong giai đoạn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Đây là xu thế phát triển chăn nuôi hiện đại, bảo vệ môi trường đang được Bộ NN-PTNT khuyến khích nhân rộng.
Nông dân sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi gắn với mô hình nuôi heo hữu cơ tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên |
Theo đó, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi KTTH trong nông nghiệp.
* Tăng giá trị ngành chăn nuôi
Tại diễn đàn trực tuyến KTTH trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức, TS Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, phát triển chăn nuôi theo mô hình KTTH là triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Trong đó, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác để tăng hiệu quả kinh tế, giảm phát thải trong chăn nuôi.
Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai đi đầu trong ứng dụng KTTH trong chăn nuôi. Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho biết, với số lượng tổng đàn heo, đàn gà lớn, ngành Nông nghiệp tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như: mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp tái sử dụng các phụ phẩm. Diện tích sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi của tỉnh đạt trên 330 ngàn m2. Đồng Nai cũng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) triển khai mô hình nuôi heo hữu cơ.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi DƯƠNG TẤT THẮNG nhấn mạnh, đối với KTTH trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết, được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. |
Ngoài ra, các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm. Theo ông Sinh: “Về phát triển KTTH trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp (DN) đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị”.
Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam chia sẻ, DN có hơn 30 năm theo đuổi xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn. Để mô hình này được nhân rộng, người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau. Điều quan trọng là thay đổi được nhận thức cho cán bộ ngành Nông nghiệp, lan tỏa tinh thần “an toàn dịch bệnh, an toàn sản xuất từ thực tế”. Đặc biệt, trong sản xuất KTTH, nông nghiệp hữu cơ, truyền thông là công tác rất quan trọng. Nếu không có truyền thông sẽ không ai hiểu được cách thức, đường đi.
* Gốc rễ của tăng trưởng xanh
Chăn nuôi KTTH đang là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như: nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi; kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau…
Phó cục trưởng Cục Trồng trọt phía Nam Lê Thanh Tùng chỉ ra: “Khối lượng chất thải của ngành chăn nuôi lên đến vài trăm triệu tấn/năm. Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để sử dụng cho hợp lý, đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không để hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế”.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) cho biết, Tập đoàn rất chú trọng đến các vấn đề xử lý rác thải rắn, đốt khí thải, tiêu hủy gà, heo… Góc nhìn của các nhà đầu tư về KTTH, DN trong nước đang bị chậm rất nhiều so với kinh tế hội nhập. Các HTX, các cơ sở sản xuất trong nước cần liên kết với nhau để có những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch Hội đồng DN nông nghiệp Việt Nam Hà Văn Thắng cho rằng, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuần hoàn không bị trói buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ, ở đây tư duy thiết kế là quan trọng nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu quy định hành lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo thực hiện thí điểm, thử nghiệm, đánh giá và tổng kết các mô hình đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần có những chính sách cho DN, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình.
Bình Nguyên