Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp Đông Nam bộ tìm cách kết nối để phát triển

08:04, 04/04/2023

Khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) có số lượng doanh nghiệp (DN) nhiều nhất cả nước. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các DN trong vùng ĐNB đã tìm cách kết nối để hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) có số lượng doanh nghiệp (DN) nhiều nhất cả nước. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các DN trong vùng ĐNB đã tìm cách kết nối để hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương cụm Đông Nam bộ do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai phối hợp Hiệp hội Du lịch Đồng Nai tổ chức ngày 31-3-2023
Doanh nghiệp tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương cụm Đông Nam bộ do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai phối hợp Hiệp hội Du lịch Đồng Nai tổ chức ngày 31-3-2023. Ảnh: V.Gia

Cuối tháng 3-2023, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã tổ chức hội nghị giao thương để hơn 300 DN trong khu vực ĐNB có dịp gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm và liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

* Kết nối để tiêu thụ sản phẩm

Chuyên kinh doanh thép kỹ thuật dành cho các ngành sản xuất, Công ty CP Đầu tư Diệp Nam Phương (H.Long Thành) đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ của mặt hàng này sụt giảm. Bên cạnh đó, trong năm 2022, DN cũng đã đầu tư thêm một nhà máy mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo các mặt hàng phụ trợ nên đang rất cần mở rộng thị trường.

“Ngoài Đồng Nai thì các tỉnh, thành trong khu vực có số lượng DN rất lớn nên tiềm năng cho các mặt hàng về thép rộng mở. Nhà nước cần có chính sách trợ giúp DN tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, từ đó kéo theo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng lên. Công ty Diệp Nam Phương sẵn sàng hợp tác với đối tác để lên kế hoạch sản xuất phù hợp” - Giám đốc Công ty Diệp Nam Phương Nguyễn Hữu Thật kỳ vọng.

Không chỉ các DN ở lĩnh vực sản xuất mà theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh, ngành Du lịch đang trong giai đoạn suy giảm, nếu không hợp tác, liên kết cùng phát triển sẽ rất khó để phục hồi.

“Đây là thời điểm cần đến sự liên kết, đồng hành cùng nhau của các DN, hiệp hội và địa phương trong khu vực mới có thể vực dậy được ngành Du lịch nói riêng, các ngành kinh tế khác nói chung” - ông Trần Đăng Ninh chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN thành viên hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thị trường tiêu thụ sụt giảm, một số DN hoạt động cầm chừng, không đạt được kế hoạch đề ra. Một số DN phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới biến động. Tuy nhiên, hầu hết các DN của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai vẫn nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức. Để thúc đẩy hợp tác, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương, thời gian tới, giữa các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối DN, hội viên với nhau.

* Cần nhận diện rõ các thách thức

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM Phạm Phú Trường cho rằng, tình hình kinh tế 2 năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Do tác động của dịch bệnh Covid-19 và suy giảm thị trường, việc kết nối, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực cũng vì vậy mà chịu nhiều ảnh hưởng. TP.HCM với vai trò trung tâm kinh tế, gắn kết toàn vùng không giữ được nhịp độ tăng trưởng cao như trước, các địa phương cũng có những khó khăn riêng.

Trước những thách thức, thời gian gần đây, TP.HCM và các địa phương trong khu vực đã có nhiều hoạt động để gia tăng kết nối, hợp tác, nhất là hợp tác đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Đối với cộng đồng DN, theo ông Phạm Phú Trường, ngoài nỗ lực tự thân cần nhạy bén để tìm hiểu, nắm bắt các chương trình từ Nhà nước, tìm cơ hội để thúc đẩy giao thương giữa các địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương Mai Hữu Tín nhận định, trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục gặp những bất lợi. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chủ DN cần phải tỉnh táo. Trong điều kiện phát triển bình thường, khi mọi yếu tố về môi trường kinh doanh giữa các nước, nhất là giữa các nước trong cùng khu vực, mang tính tương đồng thì chính tư duy của từng doanh nhân sẽ quyết định họ mạnh hơn hay chuyên nghiệp hơn. Còn khi họ bị tác động bởi các yếu tố vĩ mô quá xấu ngoài tầm kiểm soát thì hãy mong DN họ sống được đã, chuyện lớn hơn hay chuyên nghiệp hơn có thể tính sau.

“DN buộc phải chấp nhận và sẵn sàng đương đầu với khó khăn, chứ không bỏ cuộc. DN tiếp tục dấn thân và không ngừng học tập sẽ có thể biến nguy thành cơ hội, mở rộng kết nối và hợp tác với bên ngoài, tránh co cụm. DN cũng cần phải có định hướng rõ ràng và niềm tin thật lớn vào chính mình mới có thể tồn tại được” - ông Mai Hữu Tín khẳng định.

Văn Gia

Tin xem nhiều