Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác cơ hội từ Hiệp định RCEP

08:05, 25/05/2023

Đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu. RCEP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp khôi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều nước thành viên RCEP là thị trường lớn về xuất, nhập khẩu của Đồng Nai.

Đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu. RCEP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp (DN) khôi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều nước thành viên RCEP là thị trường lớn về xuất, nhập khẩu của Đồng Nai.

Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: K.Minh
Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: K.Minh

Hiệp định RCEP có 15 nước tham gia gồm: 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. RCEP tạo ra một thị trường lớn với quy mô hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới.

* Khu vực thương mại lớn nhất thế giới

Các quốc gia trong RCEP có GDP hơn 26,2 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP thế giới. Vì thế, hiệp định mở ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Đồng thời, RCEP sẽ hình thành cấu trúc thương mại mới trong khu vực, từ đó tạo thuận lợi cho các nước cùng phát triển bền vững. Trong hiệp định cam kết mở cửa thị trường về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Cụ thể là đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia trong khối.

Theo Bộ Công thương, RCEP có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực giúp Việt Nam nhận được nhiều lợi ích vì những nước tham gia vào RCEP đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: nông sản, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ… RCEP tạo ra động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế và hình thành các chuỗi cung ứng mới.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, tới đây tỉnh sẽ tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ DN để tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực toàn cầu. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Ông Khuất Quang Hưng, Trưởng bộ phận Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho hay: “Hiệp định RCEP được ký kết và có hiệu lực đã tạo ra cơ hội cho các DN trong mở rộng xuất khẩu hàng hóa. Trong và sau đại dịch Covid-19, Nestlé gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất và xuất khẩu vẫn ổn định. Sản phẩm cà phê Nestlé đã bán vào 25 quốc gia, trong đó có nhiều nước thuộc khu vực RCEP”. Hiện nay, Nestlé là một trong 10 tập đoàn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất.

RCEP loại bỏ thuế quan đối với gần 90% hàng hóa giao dịch và quy tắc xuất xứ có giá trị trong toàn bộ các nước tham gia. Đây là thuận lợi lớn cho các DN Việt Nam có xuất, nhập khẩu lớn từ các thị trường trong khối.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đánh giá: “Hiệp định RCEP sẽ đem đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Bởi đây là thị trường lớn nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành nên khi DN mở rộng xuất khẩu sản phẩm vào các nước thành viên sẽ rất thuận lợi trong quy tắc xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt mấy năm gần đây, Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam”.

* Tận dụng tối đa cơ hội

Đến cuối tháng 5-2023, 15 hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết và có hiệu lực. Trong đó, các hiệp định có ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu đều có Việt Nam tham gia như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Việt Nam tham gia hội nhập sâu, nhanh và rộng, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá trong và sau đại dịch Covid-19.

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, Bộ Công thương phối hợp với các tỉnh, thành tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước thuộc các sở, ban, ngành, địa phương, cộng đồng DN và người dân. Mục đích để khai thác các lợi thế từ hiệp định và giảm thiểu những thách thức.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu vào khu vực RCEP tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom)
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu vào khu vực RCEP tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom)

Tại Đồng Nai, các DN khá quan tâm đến hiệp định RCEP vì 70% nguyên liệu sản xuất được nhập từ các nước thành viên. Trong đó, nhiều nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Và đây cũng là 3 thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Lục Văn Thủy cho hay: “RCEP là hiệp định quan trọng nên trước khi có hiệu lực, tỉnh đã tổ chức các đợt hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho cán bộ các sở, ngành, DN để biết và có sự chuẩn bị trước. Như vậy, khi RCEP có hiệu lực, DN có thể tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về thực hiện Hiệp định RCEP. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền về hiệp định này cho các đối tượng liên quan, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động như: cộng đồng DN, hiệp hội ngành nghề, HTX, cơ quan quản lý tại địa phương, các thành phần lao động khác.

Khánh Minh

Tin xem nhiều