Xuất phát từ thực tế túi ny-lông, chai nhựa trong sân trường ngày một nhiều, nhóm thầy và trò Trường THCS Ngô Quyền (TP.Long Khánh) nảy ra ý tưởng làm gạch sinh thái.
Xuất phát từ thực tế túi ny-lông, chai nhựa trong sân trường ngày một nhiều, nhóm thầy và trò Trường THCS Ngô Quyền (TP.Long Khánh) nảy ra ý tưởng làm gạch sinh thái. Sau gần 4 tháng triển khai, đã có gần 2 ngàn viên gạch được tạo.
Sản phẩm gạch sinh thái làm kệ sách, bàn ghế của CLB Tái chế chai nhựa Trường THCS Ngô Quyền (TP.Long Khánh). Ảnh: H.LỘC |
Sản phẩm được dùng làm kệ sách thư viện, bồn hoa, bàn ghế và nhiều vật dụng hữu ích khác.
* Làm gạch từ rác
Định kỳ sau buổi học cuối tuần, học sinh Trường THCS Ngô Quyền (TP.Long Khánh) sinh hoạt ngoại khóa bằng việc vệ sinh sân trường. Thấy vỏ chai nước, bịch bim bim, hộp xốp, ly nhựa nhiều, giáo viên môn Thể dục Vũ Sơn Lâm nghĩ cần phải làm gì đó. Từ đây, thầy Lâm đã lên mạng tìm hiểu và biết đến cách làm gạch sinh thái. Tháng 2-2023, CLB Tái chế chai nhựa do thầy Lâm làm chủ nhiệm được lập ra.
Toàn bộ vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ly nhựa thay vì đem bỏ thùng rác như trước thì nay làm sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhét chặt vào các vỏ chai nhựa. Cách làm này không chỉ xử lý rác ny-lông ở sân trường mà còn tạo ra những viên gạch dùng xây dựng các công trình.
Thầy Lâm cho hay: “Ban đầu, tôi chỉ dùng rác thải nhựa có trong sân trường; sau đó, tôi phối hợp với Liên đội nhà trường phát động mỗi tuần 1 học sinh làm 1 viên gạch sinh thái. Nhờ vậy mà số lượng gạch tăng lên nhanh, đến nay đã được gần 2 ngàn viên”.
Cũng theo thầy Lâm, mỗi viên gạch sinh thái loại chai nhựa 500ml chứa khoảng 200g túi ny-lông, loại chai 1,5L có thể chứa 600-700g rác bao bì nhựa. Sản phẩm càng nhiều thì rác thải nhựa ngoài môi trường càng giảm.
Em Nguyễn Hoàng Trà My, lớp 9/4, thành viên CLB Tái chế chai nhựa cho biết, thời gian đầu, có tuần em làm được 3 viên gạch, nhưng về sau, 2-3 tuần mới làm được 1 viên vì túi
ny-lông ngày càng ít. “Em gom túi ny-lông ở nhà, xin thêm từ hàng xóm, làm sạch, phơi khô, nhét thật chặt vào chai nhựa đem nộp cho Liên đội. Em thích hoạt động này vì góp phần giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” - Trà My chia sẻ.
Còn em Thổ Gia Hiếu, học sinh lớp 7/6 thì hứng thú với sản phẩm làm được vì không cần phải có thầy cô hay người lớn hỗ trợ. Với bịch ny-lông to, ly nhựa, hộp xốp, em dùng kéo cắt nhỏ cho dễ nhét vào chai nhựa. Thao tác dễ nhất là nhét chặt từ dưới từ dưới lên trên, từ viền vào lòng chai, dùng một chiếc đũa hoặc que dài để nhồi càng chặt càng tốt. Sau cùng đóng chặt nắp chai lại là xong, không lo bị ướt, thấm nước vào bên trong.
* Nhân rộng mô hình
Thầy Lữ Thanh Đôi, Tổng phụ trách đội Trường THCS Ngô Quyền cho biết, đây là hoạt động ngoại khóa tạo được sự hứng thú cho học sinh. Thay vì ngồi nghe lý thuyết, các em trực tiếp đi gom rác, tự làm gạch. Thấy sản phẩm có ghi tên mình được sử dụng làm kệ sách, ghế ngồi, các em rất thích. Năm học tới, Liên đội tiếp tục duy trì hoạt động sinh hoạt ngoại khóa này nhằm góp phần làm sạch môi trường, tạo thêm gạch làm các công trình có ý nghĩa.
Hiện tại, mô hình tự làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa không còn gói gọn trong CLB Tái chế chai nhựa mà còn có cả các trường học lân cận, gia đình học sinh tham gia. Một số quán nước, sân banh thấy được việc làm hữu ích này cũng thu gom chai nhựa, bao bì nhựa tặng cho CLB. Nhờ vậy, tình trạng rác thải nhựa ven đường làm xấu cảnh quan, gây tắc nghẽn cống rãnh giảm đáng kể.
Theo chia sẻ từ thầy Vũ Sơn Lâm, khó khăn hiện nay không phải là chai nhựa mà là nguyên liệu để nhét vào chai. Do đó, liên đội phát động các em học sinh dịp nghỉ hè tự làm gạch sinh thái tại nhà hoặc thu gom túi ny-lông, hộp xốp, ly nhựa trong gia đình để đầu năm học mới nộp cho liên đội làm gạch.
“Mục đích chính của chúng tôi không phải để tạo ra thật nhiều sản phẩm mà góp phần giảm rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, giúp các em hình thành lối sống “xanh” từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - thầy Vũ Sơn Lâm cho hay.
Thời gian tới, CLB phối hợp cùng một số đoàn thể làm quả địa cầu bằng gạch sinh thái đặt tại công viên, làm các bồn hoa, ghế ngồi để tuyên truyền người dân biết cách giảm bớt rác thải nhựa bằng cách phân loại và tái sử dụng.
Ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu. Với cách làm gạch sinh thái này, mỗi người, mỗi gia đình đều có thể giảm rác thải nhựa. Sản phẩm dễ làm, có tính ứng dụng cao, có độ bền vượt trội do nguyên liệu là vật thể khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều trường học, gia đình, tổ chức cũng làm gạch sinh thái vì mục đích môi trường.
Hoàng Lộc