Hiện nay, trong các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai có hơn 600 ngàn công nhân làm việc trong các nhà máy. Phần lớn công nhân đều có nhu cầu về nhà ở gần nơi làm việc. Do đó, tỉnh có những chính sách ưu tiên để mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân.
Hiện nay, trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đồng Nai có hơn 600 ngàn công nhân làm việc trong các nhà máy. Phần lớn công nhân đều có nhu cầu về nhà ở gần nơi làm việc. Do đó, tỉnh có những chính sách ưu tiên để mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà ở cho công nhân.
Khu ký túc xá cho công nhân của Tập đoàn Phong Thái ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Lộc |
Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2025 sẽ xây dựng 10 ngàn căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Hiện các sở, ngành, địa phương phối hợp với các DN gấp rút triển khai các dự án về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân trong các KCN sẽ là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.
* Ưu tiên đầu tư nhà ở cho công nhân
KCN Bàu Xéo đang đầu tư dự án khu nhà ở công nhân cho lao động làm việc trong KCN này với diện tích hơn 2ha, quy mô 6 block, số lượng hơn 600 căn nhà. Hiện tại, 1 block nhà đã hoàn thành và 34 căn hộ đã bán cho người lao động. Các block còn lại sẽ đầu tư xây dựng theo nhu cầu của thị trường.
Theo ông Phan Trọng Đạt, Trưởng phòng Đầu tư kinh doanh, Công ty CP Thống Nhất (chủ đầu tư KCN), dự kiến trong quý III năm nay sẽ khởi công thêm 1 block khoảng 107 căn hộ. Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các block khác trong năm 2024 và 2025 để phục vụ nhu cầu của công nhân.
Tỉnh yêu cầu TP.Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom, mỗi địa phương thực hiện lựa chọn chủ đầu tư cho từ 2-3 dự án nhà ở. Đối với TP.Long Khánh, các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, mỗi địa phương thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư cho từ 1-2 dự án nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư. |
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (TP.HCM) đã công bố kế hoạch từ nay đến năm 2028 sẽ xây dựng 40 ngàn căn nhà ở xã hội ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng tại Đồng Nai, DN sẽ thực hiện 3 dự án, các dự án này đều đã được thiết kế, đưa ra lộ trình thực hiện.
Trước đó, vào tháng 3-2023, nhiều DN thuộc CLB Doanh nhân Sao vàng Đất Việt đã có chuyến thăm, làm việc với UBND tỉnh để tìm hiểu đầu tư vào địa phương, trong đó có các DN lĩnh vực bất động sản quan tâm đến dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao vàng Đất Việt Nguyễn Phúc Long mong muốn địa phương hỗ trợ thông tin về các dự án, giúp DN tiếp cận, khảo sát và lên phương án đầu tư phù hợp.
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực song trên thực tế, nhu cầu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn rất cao. Với trên 600 ngàn lao động ngoại tỉnh đang thuê trọ thì đây cũng là thị trường rất lớn cho các DN đầu tư. Đồng thời, địa phương cũng cần có các giải pháp hỗ trợ DN trong quá trình khảo sát, triển khai dự án.
* Tìm cách hoàn thành 10 ngàn căn hộ
Động thái mới nhất của Đồng Nai là ngày 18-5 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch Phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ tiêu tính từ năm 2021-2025, tỉnh sẽ xây dựng 10 ngàn căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, tương ứng với khoảng 800 ngàn m2 sàn. Để làm được điều đó, sẽ phải huy động hơn 10,1 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước (Quỹ Phát triển nhà ở của tỉnh, các nguồn khác) và xã hội hóa.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, để đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh nỗ lực kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì các địa phương trong tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng nhà ở trọ hiện hữu đảm bảo quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất của nhà ở cho người lao động thuê để ở trên địa bàn.
Gần đây, Chính phủ có chính sách khuyến khích các công ty hạ tầng KCN đầu tư nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân trong KCN. Trong đó, công ty hạ tầng KCN có thể đầu tư hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp thuê đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Riêng các KCN đã thành lập thì tiếp tục rà soát quỹ đất dịch vụ chưa sử dụng để sắp xếp vào mục tiêu nhà lưu trú công nhân KCN đó.
Chủ trương của tỉnh phù hợp với các KCN hiện nay. Đơn cử như tại KCN Hố Nai, Giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai Nguyễn Công Định cho hay, KCN này đang trong quá trình thu hồi đất để mở rộng diện tích theo quy hoạch. Đơn vị dự tính bước đầu sẽ có 2 khu đất để dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở và thiết chế cho công nhân lao động. Trong đó, một khu đất có diện tích 5ha đã sẵn sàng mặt bằng để các DN có nhu cầu có thể thuê đất đầu tư.
“Chúng tôi mời gọi DN thứ cấp có nhu cầu đầu tư nhà ở công nhân đến thuê đất xây dựng và sẽ nỗ lực hỗ trợ các thủ tục liên quan trong quá trình triển khai” - ông Định cho hay.
Văn Gia