Báo Đồng Nai điện tử
En

Những biến tướng của gian lận thương mại

08:07, 17/07/2023

Thời gian qua, những vi phạm về gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, ngày càng tinh vi hơn.

Thời gian qua, những vi phạm về gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, ngày càng tinh vi hơn, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như: xăng dầu, thuốc lá hay các hình thức thương mại điện tử (TMĐT)…

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra các trụ bơm xăng, dầu tại một trạm xăng, dầu trên đường Bùi Văn Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra các trụ bơm xăng, dầu tại một trạm xăng, dầu trên đường Bùi Văn Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Có thể nói, theo thời gian, tính chất buôn lậu và gian lận thương mại bắt đầu tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn mới nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. Đặc biệt là gian lận thương mại qua đường nhập khẩu hàng hóa chính ngạch, kinh doanh trực tuyến.

* Xu hướng vi phạm tăng

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã kiểm tra 848 trường hợp. Trong đó, phát hiện 715 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Các đối tượng thường lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu quản lý doanh nghiệp (DN), ký kết hợp đồng thương mại, quy trình hải quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ... nhằm kinh doanh các loại hàng gian, hành giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng thuộc danh mục cấm kinh doanh.

Thống kê từ Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho thấy, các vụ vi phạm tập trung vào các nội dung về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT; hàng ngoại nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm, vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; vi phạm trong lĩnh vực giá; kinh doanh hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng.

Hàng hóa được làm giả từ những mặt hàng tiêu dùng thông thường đến hàng có giá trị cao, từ đơn giản đến tinh vi, rất khó phát hiện, với cách thức, quy mô nhỏ lẻ đến sản xuất hàng loạt, có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp. Các mặt hàng thường bị làm giả trên thị trường như: mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng hằng ngày, chế phẩm vệ sinh, thuốc lá…

Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực như xăng dầu, nhiều “chiêu thức” gian lận  ngày càng tinh vi hơn. Đơn cử, vào tháng 5 vừa qua, báo chí đã phản ánh việc các nhân viên tại một trạm xăng dầu ở đường Bùi Văn Hòa (KP.6, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) có gian lận khi bơm xăng cho nhiều khách hàng bằng “chiêu trò” bơm nối số, không trả về 0 trước khi bơm.

Theo Phó cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Nguyễn Thanh Lâm, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm đối với các mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng “nhạy cảm” như xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện trạm xăng dầu này cho biết, sau khi có thông tin báo chí phản ánh, công ty quản lý cửa hàng đã tiến hành họp khẩn, kiểm điểm, đồng thời đình chỉ nhiệm vụ trạm trưởng và trạm phó cùng 2 nhân viên bán hàng tại Trạm xăng dầu do không tuân thủ quy trình quản lý, quy trình bán hàng, bán chồng số không trả về 0 trước khi bơm. Trạm cũng thay quản lý mới, chủ động rà soát, kiểm tra các trụ, vòi bơm xăng, dầu đảm bảo quy định.

* Nhiều chiêu thức tinh vi trên môi trường số

Hoạt động TMĐT, kinh doanh mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến nên nhiều người tiêu dùng đặt hàng, sử dụng hình thức thanh toán online để tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, thời gian qua, nổi lên tình trạng gian lận qua hình thức TMĐT, chủ yếu là qua hoạt động chuyển phát nhanh và các trang mạng xã hội quảng cáo, giới thiệu.

Những sai phạm chủ yếu liên quan đến cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không có hóa đơn chứng từ, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng...

Chị Nguyễn Bích Ngọc (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, tháng 5 vừa qua chị đặt một tuýp kem chống nắng hãng Martiderm (xuất xứ Tây Ban Nha) trên Lazada do Công ty CP T-cell nhập khẩu và phân phối độc quyền dược mỹ phẩm Martiderm tại Việt Nam có giá hơn 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, chị khá bất ngờ vì sau khi mua hàng, thuật toán internet đã gợi ý chị qua các shop online bán loại kem này với mức giá chỉ từ 200-400 ngàn đồng/tuýp. Để tránh bị "quét" bảo hộ chính hãng và xâm phạm quyền SHTT, các shop online kinh doanh đã sử dụng nhiều thủ thuật tinh vi như: đăng hình che mờ tên nhãn hiệu, tạo mã hàng trên sàn TMĐT bằng các tên gọi khác như “áo thun”, “nón”…

“Giá thành rẻ, dán mác xách tay, lách thuế là yếu tố đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Do đó, tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại qua mạng xã hội và các sàn TMĐT” - chị Bích Ngọc nói.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Vina CHG (TP.HCM), công ty cung cấp các sản phẩm chống hàng giả chia sẻ, đối với hoạt động chống hàng giả, gian lận thương mại, môi trường số nếu không có đủ công cụ phù hợp, rất khó có thể xử lý kịp thời, sâu sát các vi phạm vì tốc độ lan tỏa rất nhanh, khó xác định phạm vi. Ví dụ, thay vì phải mở một cửa hàng hoặc điểm tiêu thụ hàng hóa ở các thành phố lớn như trước kia, các đối tượng giờ chỉ cần lập các điểm tập kết hàng ở những vùng nông thôn hẻo lánh, rồi đăng tải các sản phẩm lên mạng xã hội, website, sàn TMĐT… để bán cho các khách hàng ở bất cứ đâu.

Hải Quân

Tin xem nhiều