Báo Đồng Nai điện tử
En

Dệt may với cuộc đua sản xuất tuần hoàn

08:08, 01/08/2023

Ngày 27-7-2023, Chính phủ đã có Công văn số 5694/VPCP-CN yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, xử lý thông tin châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may. Trên cơ sở đó, xây dựng giải pháp triển khai phù hợp và báo cáo Chính phủ trong tháng 8-2023.

Ngày 27-7-2023, Chính phủ đã có Công văn số 5694/VPCP-CN yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, xử lý thông tin châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may. Trên cơ sở đó, xây dựng giải pháp triển khai phù hợp và báo cáo Chính phủ trong tháng 8-2023.

Cụ thể, Ủy ban châu Âu vừa đề xuất, áp dụng chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với sản phẩm dệt may. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất dệt may phải đảm bảo toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.

Châu Âu hiện là thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới với gần 85 tỷ USD/năm. Đồng thời, đây cũng là thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam. Các DN Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng dệt may vào châu Âu có lợi thế là thuế bằng 0% nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu. Do đó, thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng để DN Việt Nam khai thác, mở rộng với mặt hàng dệt may và nhiều mặt hàng khác.

Tuy nhiên, để sản phẩm dệt may của Việt Nam rộng đường vào châu Âu thì DN phải sớm có trao đổi với các đối tác tại thị trường trên để đưa ra các giải pháp thực hiện, đáp ứng được những yêu cầu do châu Âu đặt ra. Trong đó, các DN sản xuất dệt may phải có giải pháp thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế riêng cho hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất cả nước và châu Âu là thị trường dệt may lớn thứ 2 (chỉ sau Hoa Kỳ) của Đồng Nai nên rào cản trên sẽ tác động nhiều đến DN trên địa bàn tỉnh. Trong 7 tháng của năm 2023, các DN dệt may, xơ sợi dệt ở Đồng Nai xuất khẩu hơn 1,6 tỷ USD và hơn 20% vào thị trường châu Âu.

Thực tế trong 3-4 năm trở lại đây, các nhãn hàng quốc tế ở châu Âu đã có những chương trình hỗ trợ, khuyến khích các nhà máy sản xuất dệt may ứng dụng công nghệ để tham gia vào sản xuất tuần hoàn hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững. Tại Đồng Nai, nhiều nhà máy áp dụng quy trình sản xuất xanh bằng cách sử dụng năng lượng tiết kiệm, dùng nguyên liệu là sản phẩm tái chế… Rào cản trên là thách thức lớn cho DN dệt may Đồng Nai cũng như cả nước. Trong cuộc đua giành thị phần, chiến thắng sẽ thuộc về những DN đi đầu trong sản xuất tuần hoàn đáp ứng hàng rào kỹ thuật của châu Âu.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều