Với hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh theo lối truyền thống thì năng lực đánh giá thị trường và việc xây dựng chiến lược kinh doanh còn nhiều hạn chế.
Với hầu hết doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, kinh doanh theo lối truyền thống thì năng lực đánh giá thị trường và việc xây dựng chiến lược kinh doanh còn nhiều hạn chế. Do đó, khi có tác động lớn, biến động đột ngột thì các DN rất khó để chống chịu.
Sản xuất tại một doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia |
Để phát triển bền vững, bên cạnh chăm chút cho sản phẩm, các DN cần đầu tư thêm cho đội ngũ nhân sự, xây dựng năng lực đánh giá thị trường, có phương án dự phòng nhằm giảm thiểu các rủi ro.
* Thiếu dự phòng, DN dễ gặp rủi ro
Một khảo sát của hãng tư vấn Willis Towers Watson (có trụ sở ở nước Anh) vừa công bố cho thấy cứ 5 DN tại Việt Nam, chỉ một trong số đó tự tin họ sẵn sàng đối mặt với rủi ro hiện tại và tương lai.
Cụ thể, qua khảo sát với 100 DN, chỉ 18% tự tin rằng họ đã sẵn sàng đối mặt với những rủi ro hiện tại và trong tương lai. Gần một nửa (44%) các DN chỉ hiểu biết cơ bản về những rủi ro hiện tại mà họ phải đối mặt và tác động tài chính từ những rủi ro này. Việc thiếu các dữ liệu cần thiết về thị trường khiến cho hơn một nửa DN (58%) thừa nhận đây là một khía cạnh tiềm ẩn nhiều yếu kém trong quá trình đánh giá rủi ro của họ.
Khảo sát nói trên cho thấy sức khỏe của các DN hiện nay đang có rất nhiều vấn đề. Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 5-8-2023, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, khả năng chống chịu của một bộ phận DN, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã tới hạn trước những khó khăn kinh tế.
Thực tế hiện nay, đa phần các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng, kinh nghiệm thị trường non trẻ, nguồn lực hạn chế thì những biến động của thị trường có thể sẽ khiến các DN đứng trước nhiều rủi ro ở nhiều cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết thông tin về nhu cầu thị trường, khả năng đối tác, đối thủ cạnh tranh... Phần lớn DN chưa nhận thức hết các rủi ro, chưa có sự đề phòng thích đáng và sẵn sàng đối mặt với môi trường kinh doanh một cách chuyên nghiệp.
Là chủ DN trong ngành xây dựng, ông Bùi Vĩnh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa) cho rằng thời gian qua, cũng như hầu hết các đơn vị khác, sự phát triển của DN đang bấp bênh. Trước đây hướng phát triển của công ty gắn với việc làm các công trình, dự án xây dựng lớn thông qua các đối tác, nhà thầu. Tuy nhiên sự sụt giảm thê thảm của thị trường bất động sản thời gian qua khiến DN không kịp trở tay, nhiều hợp đồng xây dựng bị trì hoãn thanh toán trong thời gian dài. Để có thể tồn tại, DN buộc phải quay sang hướng làm các hợp đồng, dự án xây dựng nhà dân nhỏ lẻ, bên cạnh đó làm thêm lĩnh vực cơ khí để san sẻ công việc lúc cần. “Nếu không năng động để xoay chuyển, DN rất khó để ứng phó được với sự biến động của thị trường” - ông Nhật chia sẻ.
* Cần tính toán các giải pháp tăng khả năng ứng phó
Theo TS Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN (Hiệp hội DN TP.HCM) thì đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, những lỗi thường gặp trong quản trị tài chính DN là dòng tiền không trôi chảy. Nhiều DN còn hạn chế khi xây dựng kế hoạch dòng tiền trong dài hạn; không nắm được tầm quan trọng của dòng tiền và lợi ích to lớn từ báo cáo dòng tiền; “mơ hồ” về sự khác biệt bản chất của tài sản - lợi nhuận - dòng tiền dẫn đến những quyết định quản trị sai lầm.
Theo TS Bình, DN cần lập ra kế hoạch chặt chẽ, dự tính trước những vấn đề có thể xảy ra và phương án xử lý, dự kiến trước dòng tiền vào và dòng tiền ra trong một thời kỳ nhất định trong tương lai, đưa ra những biện pháp nhằm tạo ra sự cân bằng thu, chi. Cần phải tính toán chọn đúng khách hàng và đối tác; tối ưu quy trình quản lý hàng hóa thành phẩm và hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền và có những dự báo chính xác hơn.
Tương tự, ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ, khó khăn hiện nay kéo theo hiệu ứng dây chuyền của rất nhiều DN. Thông thường các đối tác trong một chuỗi cung ứng sản phẩm có liên hệ rất chặt chẽ với nhau, nếu một khâu có vấn đề sẽ khiến cho toàn bộ bị ảnh hưởng. Không cách nào khác, các DN phải tích cực, năng động để tìm lời giải, phải thích nghi với khó khăn, tăng khả năng ứng phó rủi ro, vừa là tự hoàn thiện mình, vừa giúp được các đối tác.
Ngoài việc nỗ lực tự thân, trong quá trình đổi mới mô hình phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, DN mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đơn cử như việc xây dựng chiến lược phát triển sản xuất từng ngành hàng, kết nối thương mại, đầu tư và hỗ trợ thông tin về thị trường các khu vực…là những vấn đề mà DN rất cần được tiếp cận thường xuyên.
Văn Gia