Năm 1958, tại vùng đất sình lầy ven sông Đồng Nai thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước - Biên Hòa lúc bấy giờ, Công ty kỹ nghệ giấy Tân Mai (Cogivina) được thành lập. Ông Bùi Văn Mươi, 72 tuổi, người đã có mặt ngay từ đầu khi khởi công xây dựng, nhà máy đã nhớ lại
Năm 1958, tại vùng đất sình lầy ven sông Đồng Nai thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước - Biên Hòa lúc bấy giờ, Công ty kỹ nghệ giấy Tân Mai (Cogivina) được thành lập. Ông Bùi Văn Mươi, 72 tuổi, người đã có mặt ngay từ đầu khi khởi công xây dựng, nhà máy đã nhớ lại: Hồi đó khi tụi tui theo nhà thầu đến thi công xây dựng khu đất này um tùm và hoang tàn lắm, phải di dời mồ mả đi để san ủi. Cho tới những ngày cuối tháng 4- 1975 lịch sử, nhà máy vẫn giữ được sự nguyên vẹn để trao cho cán bộ tiếp quản sau giải phóng...
* Một môi trường làm việc thân thiện
Ở giấy Tân Mai bây giờ còn khoảng 12 người làm việc trước giải phóng vẫn còn trụ lại. Đó là lớp cán bộ công nhân của thập kỷ 1970 như anh Nguyễn Văn Vinh, hiện là quản đốc phân xưởng giấy; anh Võ Hoàng Nghiệp, tổ trưởng tổ điện; chị Lê Thị Kim Hạnh, phòng nhân sự; chị Lê Thị Kim Lan, phòng kinh doanh... Anh Nguyễn Văn Vinh kể: Hồi năm 20 tuổi, tôi đã vô nhà máy làm, bây giờ là được 35 năm rồi. Lúc đó có 2 dây chuyền với công suất 18.000 tấn giấy/ năm, yêu cầu không đòi hỏi cao như bây giờ nhưng giấy của Cogivina sản xuất ra cũng được tiêu thụ trên toàn miền Nam, trong đó sản phẩm truyền thống vẫn là giấy in báo. Anh Vinh sau này được gởi đi đào tạo các lớp ngắn hạn ở nước ngoài để tiếp nhận công nghệ mới về vận hành thiết bị máy móc. Anh Võ Hoàng Nghiệp, tổ trưởng tổ điện cho biết: "Điều tôi thấy ở nhà máy này làm rất được là công tác đào tạo. Ai mà có chí thì có thể tiếp tục học và nhà máy có chính sách quan tâm đào tạo chuyên sâu để về phục vụ cho nhà máy. Ngay như phân xưởng điện của tụi tôi cũng đã có cả chục em học lên tới đại học...".
Hai chị Lê Thị Kim Hạnh, Lê Thị Ngọc Lan cùng họ, cùng sinh một năm và cùng vào nhà máy năm 1972. Lúc đầu hai chị làm ở phòng thí nghiệm sau đó theo yêu cầu nên chị Hạnh về làm Phòng tổ chức - nhân sự, chị Lan qua Phòng kinh doanh. Gắn bó 33 năm với giấy Tân Mai, hai chị cũng đã xem đây như ngôi nhà chung của mình. Cùng vui với niềm vui khi nhà máy thuận lợi, máy chạy đều, làm ra đến đâu bán hết đến đó, cùng chia sẻ với công ty khi ngành giấy lao đao, khó khăn chồng chất. Cả chị Lan và chị Hạnh đều cho rằng tình đoàn kết, gắn bó, cộng đồng trách nhiệm ở giấy Tân Mai rất tốt, nội bộ không có sự đấu đá nhau nên mọi người cảm thấy được làm việc trong một môi trường thân thiện. Chị Lan còn nói thêm: "Hồi đó cũng nghĩ mình vô làm vài năm, có chồng thì thôi, ai dè lại gắn bó với nhà máy tới giờ này một cách toàn tâm toàn ý...".
Mặc dù số lao động trước giải phóng có khoảng 400 người và sau này có lúc đến hơn 1.000 người, hiện nay còn khoảng 850 người, trong đó số người có thâm niên hơn 30 năm còn rất ít nhưng nói như bí thư Đảng ủy Công ty giấy Tân Mai Nguyễn Đình Tuấn thì "đây là lực lượng đáng quý, là vốn truyền thống của nhà máy. Họ là những tấm gương về sự bền bỉ lao động, cống hiến cũng như kinh nghiệm. Bởi họ đã từng trải lăn lộn với nhà máy từ những thập niên đầu khi thành lập".
* Tự tin trong hội nhập
Nếu đến giấy Tân Mai trong bất cứ thời điểm nào, lúc thịnh cũng như lúc suy đều thấy ở đây có môi trường làm việc thân thiện, cảnh quan sạch sẽ cho dù tiếng máy chạy ầm ì, xe ra vào liền liền. Tất cả những điều này có được là do bề dày truyền thống của nhà máy với bao lớp cán bộ và lớp thợ đã tạo dựng lên. Từ một nhà máy công suất xấp sỉ 20.000 tấn/ năm, Tân Mai giờ đây đã đạt công suất 70.000 tấn/ năm giấy các loại, dẫn đầu về sản xuất giấy in báo của cả nước với chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Phan Minh Nghĩa rất phấn khởi cho biết: "Từ năm ngoái đến nay làm ăn tốt, sản lượng tiêu thụ ổn định, giấy đang không đủ để bán". Điều này chứng tỏ quá trình qua dù khó khăn thật nhiều nhưng giấy Tân Mai đã biết đầu tư đúng hướng mà quan trọng nhất là đầu tư cho con người. Nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật ở TP. HCM nhưng bao nhiêu năm qua vẫn đi làm hàng ngày từ TP. HCM về Biên Hòa và ngược lại. Họ đã gắn bó với nhà máy đến nỗi khó lòng khi rời xa nó, như bác Mươi, như anh Nghiệp, anh Vinh, chị Lan, chị Hạnh... Anh Vinh kể rằng, bây giờ có điện thoại còn đỡ chứ trước đây, mỗi lần phân xưởng giấy có sự cố dù nửa đêm anh em công nhân cũng phải chạy xuống nhà anh (ở phường Tân Mai) gọi. Anh lại cùng anh em chạy vội vào nhà máy để xử lý sự cố. Đã 40 năm gắn bó với nhà máy, anh không thể rời xa nó mặc dù có những lúc nhà máy khó khăn, thu nhập không ổn định. Anh cũng đã từng tham gia BCH Đoàn thanh niên nhà máy khi mới giải phóng, phụ trách phong trào xung kích, rồi tham gia công tác Công đoàn... Anh cho rằng đó là một thời tuổi trẻ, một thời cống hiến và nhờ đó đã hung đúc lên tinh thần người thợ như anh và các lớp thế hệ thợ ở giấy Tân Mai. Chị Hạnh, chị Lan, anh Nghiệp... cũng rất sôi nổi khi nhắc lại những năm sau giải phóng. Không khí lúc đó vui lắm, nhiều phong trào lắm và làm cho mọi người gần gũi với nhau hơn, không có sự cách biệt; không sợ thiếu thốn. Họ đưa ra nhận định: Nếu như trước giải phóng công việc trong nhà máy phân ra của ai nấy làm, không quan tâm lắm đến cái chung thì sau giải phóng, bản thân người lao động - từ cán bộ trên các phòng ban đến công nhân dưới các phân xưởng -ai nấy đều thi đua nhau làm việc hết lòng vì nhà máy.
Có thể nói năm 2004 là năm đánh dấu những đổi thay về chất ở giấy Tân Mai sau nhiều năm đối mặt với những thử thách. Mức dư nợ vay ngân hàng giảm 39% so với cùng kỳ, lãi vay ngân hàng giảm 32%, vòng quay vốn đạt 3,99 vòng/ năm; giá trị tổng sản lượng đạt 531 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 735 tỷ đồng, vượt 5% và tăng 11% so với cùng kỳ trước đó; lợi nhuận đạt 2,6 tỷ đồng và thu nhập bình quân 2,7 triệu đồng/ người/tháng, tăng 30% so với năm ngoái.
Nhà máy giấy Tân Mai vững tin bước vào hội nhập kinh tế. Lớp thanh niên bám trụ lâu năm và trưởng thành sau
Kim Loan