Báo Đồng Nai điện tử
En

Đô thị công nghiệp và dịch vụ Long Thành đang hình thành

09:04, 29/04/2005

Từ một huyện thuần nông nhưng đến nay, cơ cấu kinh tế của Long Thành đã chuyển dịch rất bất ngờ: Công nghiệp chiếm 59%, dịch vụ chiếm 24% và nông nghiệp chỉ còn 17%.

Một góc thị trấn Long Thành hôm nay.

Từ một huyện thuần nông nhưng đến nay, cơ cấu kinh tế của Long Thành đã chuyển dịch rất bất ngờ: Công nghiệp chiếm 59%, dịch vụ chiếm 24% và nông nghiệp chỉ còn 17%. Tính đến cuối năm 2004, huyện Long Thành đã hoàn thành 4 chỉ tiêu kinh tế- xã hội quan trọng, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua: Hoàn thành chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách; xây dựng gần 1.000 căn nhà tình thương, xóa trắng hộ dân trong diện trên dột dưới ngập; tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn 1,77%, tức là thấp hơn mức thoát nghèo so với chuẩn 2% và vượt xa kế hoạch, hoàn thành trước thời hạn các chỉ tiêu về các công tác từ thiện, xã hội...

 Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Long Thành vẫn còn là huyện thuần nông. Cây lúa, cây ăn quả tuy là những "đặc sản" của Long Thành nhưng chưa bao giờ đem đến cho đời sống nhân dân, nền kinh tế của huyện ổn định, khá giả. Những năm đầu thập niên 90 vừa qua, Tỉnh ủy Đồng Nai "bật đèn xanh" cho Đảng bộ Long Thành nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện ủy Long Thành có cách làm khá đặc biệt trong việc chuyển dịch này: Trước tiên là cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng tỷ trọng, giá trị trong nông nghiệp. Đó là chủ trương cho giảm diện tích cây lúa, cây ăn quả cho năng suất thấp và tăng cường diện tích cây mì, bắp lai, cây ăn quả chất lượng cao được trồng ở vùng ven sông Đồng Nai. Chuyển dịch có định hướng của huyện nên nông dân luôn được sự hỗ trợ về nhiều mặt, như: Khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra của sản phẩm... Vì vậy, huyện rất quan tâm cùng nông dân đi tìm giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và giá thành cao để bà con liên tục... trúng mùa, trúng giá. Ví dụ như đối với cây lúa, bắp lai thì cứ cách một năm, huyện lại cử đoàn cán bộ đến Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, các vựa nông sản cao cấp trong và ngoài nước để tìm giống mới để giúp cho nông dân tăng năng suất, giá sản phẩm nông sản bán ra năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn huyện Long Thành có 33 câu lạc bộ năng suất cao (đạt từ 5- 6 tấn/hécta/vụ), trong đó nhiều hộ dân trong các câu lạc bộ thu nhập đến 40 triệu đồng/hécta/năm; định hình được trên 700 hécta đất nông nghiệp là "vùng" của nông dân sản xuất giỏi. Trong chuyển dịch chăn nuôi, huyện rất chú trọng đến vật nuôi cho năng suất, giá trị cao. Con bò sữa trở thành chọn lựa đúng đắn và đến nay trở thành thương hiệu "Bò sữa Long Thành" nổi tiếng chất lượng, hiệu quả được cả nước biết đến. Nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhiều tỷ phú ở huyện Long Thành xuất hiện trong thời gian gần đây chính là nhờ nuôi bò sữa. Hiện nay, huyện vẫn chủ trương khuyến khích nông dân nuôi bò sữa bằng việc tạo điều kiện về kỹ thuật chăn nuôi, mở rộng đầu ra cho sản phẩm sữa, bò giống...

Nhưng điều đó chưa làm cho Đảng bộ và nhân dân huyện hài lòng vì nội lực của huyện hiện còn rất lớn nhưng vẫn chưa khai thác hết. Long Thành có lợi thế là một cạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,  nằm trên quốc lộ 51- trục lộ lớn, hệ thống giao thông đường thủy, cảng nội địa quan trọng và tương lai còn có đường hàng không quốc tế. Vì vậy, huyện Long Thành chủ trương phải tận dụng thế mạnh của mình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh cùng với cách làm sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, đến cuối năm 2004 Long Thành đã có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đi vào hoạt động. Hiện nay, diện tích sử dụng cho các khu công nghiệp là 3.000 hécta, chiếm chưa đến 6% diện tích tự nhiên của toàn huyện, nhưng tỷ lệ kinh tế mang lại từ công nghiệp lên đến 59%. Điều đó đã đặt ra cho lãnh đạo huyện nhiều suy nghĩ phải tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp hơn nữa để mở rộng tỷ trọng công nghiệp trong thời gian tới. Trong khả năng, điều kiện của mình, huyện đã trình tỉnh xin phê duyệt cho xây dựng mới 10 cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của Long Thành thì dịch vụ chiếm 24%. Đây là một con số không nhỏ của một huyện vừa thoát khỏi thuần nông. Và tương lai không xa, Long Thành có nhiều cơ sở hạ tầng cấp quốc gia hình hành: Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng với diện tích khoảng 5.000 hécta; đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây đi qua phần lớn địa bàn huyện Long Thành; xây dựng trường đại học quốc tế tại xã Long Phước với diện tích từ 100 - 120 hécta... Những điều kiện mở ra trong tương lai gần đó đặt huyện Long Thành trước những yêu cầu phải "thích nghi". Huyện đã chủ động xây dựng nhiều đề án "đón đầu" trình lên tỉnh xin phê duyệt nhằm nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong tương lai, như: Xây dựng chợ mới Long Thành với diện tích 16 hécta và cải tạo chợ cũ thành khu siêu thị; xây dựng mới khu thương mại- dịch vụ- dân cư tại xã Long An; quy hoạch xây dựng bệnh viện cao cấp diện tích khoảng 8 hécta. Mặt khác, cùng với sự thay đổi lớn về quy hoạch kinh tế nên Long Thành cũng quan tâm đến xây dựng dân cư. Hiện nay, huyện Long Thành đã trình lên tỉnh đề án quy hoạch thị trấn Bình Sơn (vì sẽ có di dời khoảng 10.000 dân ở 4 xã nằm trong khu vực sân bay quốc tế Long Thành); xây dựng khu đô thị Tam Phước, Phước Thái và đặc biệt dự kiến đến năm 2012 sẽ chuyển từ thị trấn lên thị xã Long Thành.

Kinh tế phát triển đã giúp cho Long Thành tăng mạnh lượng đầu tư vào các chương trình, chính sách phúc lợi, xã hội. Đến cuối năm 2004, toàn huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương (1.376 căn); số hộ nghèo chỉ còn 1,77%, tức là còn trên 700 hộ nghèo và kế hoạch đến hết năm 2005 sẽ giảm xuống 500 hộ, tiếp tục tập trung "xóa trắng" trong năm 2006. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân ở huyện Long Thành là 8 triệu đồng/người/năm; 100% ấp và 96% hộ dân có điện lưới quốc gia sử dụng; 100% trung tâm các xã, thị trấn có điện đường thắp sáng, tất cả các xã đều có đường nhựa nóng.

Một Long Thành thị xã - đô thị công nghiệp, dịch vụ đang hình thành.

Phong Vũ

Tin xem nhiều