Thật khó có thể nói hết được những thành tựu về phát triển kinh tế sau 30 năm giải phóng hoàn toàn ở miền Nam (30-4-1975 - 30-4-2005). Mặc dù nước ta vẫn còn là một quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp nhưng những gì Đồng Nai đã đạt được trong 30 năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào.
Chế tác và sản xuất kim cương xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn ĐTNN |
Nhìn chung, sau ngày 30-4 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, kinh tế ở Đồng Nai chủ yếu vẫn là nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 65-70%, công nghiệp - xây dựng: hơn 10% và thương mại - dịch vụ khoảng 20%. Nông nghiệp là mũi nhọn nhưng trên nền tảng còn nghèo nàn, năng suất thấp.
Trong 5 năm đầu tiên (1976-1980) là thời kỳ đầu chuyển đổi sang chế độ kinh tế mới với muôn vàn khó khăn bởi cùng với cả nước, Đồng Nai phải tập trung công sức vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và cải tạo XHCN các thành phần kinh tế, xây dựng kinh tế quốc doanh và hợp tác xã. Với mặt trận nông nghiệp, tỉnh đã tập trung cho công tác vận động hồi hương, định cư, định canh và huy động các nguồn lực khẩn trương khai hoang, phục hóa nhằm tăng diện tích gieo trồng và tăng sản lượng lương thực. Chỉ tính trong 2 năm 1976- 1977 đã có gần 45.000 hecta đất được khai hoang, phục hóa. Để giúp nông dân có điều kiện canh tác, Đồng Nai đã đầu tư nhiều công sức xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Tổng cộng trong 5 năm đầu tiên đã xây dựng được 9 trạm bơm điện, trong đó có các trạm bơm lớn như Thiện Tân, Hiệp Hòa, Lợi Hòa, Long Thành..., xây dựng 15 đập chứa nước và 3 đê ngăn mặn. Trong công nghiệp, trên địa bàn Đồng Nai có 40 nhà máy do trung ương quản lý đã nhanh chóng đưa vào sản xuất và thành lập được 29 xí nghiệp quốc doanh cùng hàng trăm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của hợp tác xã và của tư nhân. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã cũng được mở rộng. Nhờ vậy, tổng sản phẩm bình quân hàng năm trên địa bàn đã tăng được 9,9%/năm. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và còn chủ quan nóng vội nên phát triển kinh tế trong 5 năm đầu tiên cũng bộc lộ những mặt yếu kém trong việc tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp quốc doanh.
5 năm kế tiếp (1981- 1985) là một giai đoạn phát triển kinh tế hết sức khó khăn. Đồng Nai cũng như cả nước đã đứng trước thách thức lớn là kinh tế phát triển chậm do giữ quá lâu cơ chế kinh tế bao cấp và kế hoạch hóa tập trung, đồng thời phải trả giá cho những vấp váp, sai lầm về tư duy làm kinh tế chủ quan: Hiệu quả kinh tế bị giảm sút, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, đời sống người dân khốn khó. Tính ra trong thời kỳ này, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 6,4%.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, Đồng Nai đã bước vào thời kỳ phát triển kinh tế 5 năm từ 1986-1990 với việc chuyển đổi từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, qua đó sửa chữa những sai lầm trước đó, không ỷ lại vào vay nợ nước ngoài và dựa dẫm vào bao cấp mà tự lực vươn lên, đưa tăng trưởng kinh tế Đồng Nai lên một bước ngoặt mới, làm tiền đề cho phát triển những năm sau này.
* Tốc độ tăng trưởng cao, đứng đầu là công nghiệp - xây dựng
Cho tới giai đoạn 1991- 1995, Đồng Nai mới thực sự đi vào thời kỳ phát triển mới với tốc độ tăng trưởng cao và khá ổn định. Bình quân tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 13% so với mức tăng trưởng chung của cả nước là 8,2%. Sản xuất công nghiệp vào thời kỳ này đã phát triển cao, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và đánh dấu một bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển hàng đầu về công nghiệp - xây dựng. Nếu như năm 1990 trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn Đồng Nai, nông nghiệp vẫn còn chiếm tỉ trọng 50,1% và công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 20,6% thì đến năm 1995 đã làm cuộc "đổi ngôi" với công nghiệp - dịch vụ chiếm tỉ trọng 36,5%, nông nghiệp chỉ còn 32,7% và thương mại - dịch vụ là 30,8%. Kể từ đây, Đồng Nai tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng năm, sản xuất công nghiệp cùng với sự ra đời của hàng loạt các khu công nghiệp tập trung và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Đồng Nai. Trong 5 năm 1996-2000, kinh tế Đồng Nai duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm tăng 12% (so với cả nước chỉ tăng 6,7%). Riêng ngành công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 20,3%, trong đó khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng 31,5% và công nghiệp trong nước tăng 10%. Năng suất lao động trong ngành công nghiệp cao gấp 2 lần ngành dịch vụ và gấp 14 lần ngành nông nghiệp. Từ năm 2001-2004, tăng trưởng GDP hàng năm ở Đồng Nai vẫn đạt ở mức cao, từ 11,1%-13,5%/năm (so với cả nước tăng trưởng từ 6,8 - 7,7%/năm).
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tháng 1-1976, tỉnh Đồng Nai chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh và Tân Phú. Đầu năm 1978 tách Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) về TP. HCM. Đến năm 1980 tách Vũng Tàu để thành lập đặc khu trực thuộc Trung ương. Tháng 8-1991, tách thêm ba huyện của Đồng Nai là Long Đất, Châu Thành và Xuyên Mộc về Vũng Tàu để thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh Đồng Nai hiện nay gồm TP. Biên Hòa, thị xã Long Khánh và 9 huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch với số dân hơn 2 triệu người.
|
30 năm kể từ sau ngày miền
Về sản xuất nông nghiệp, đã tạo bước tiến vượt bậc so với trước năm 1975 cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Như diện tích gieo trồng cây lúa vào năm 1973 đạt cao nhất là 58.500 hecta nhưng năng suất chỉ hơn 2 tạ /hecta. Hiện nay diện tích gieo trồng cây lúa hàng năm ở Đồng Nai hơn 80.000 hecta, tăng 1/3 về diện tích, với năng suất bình quân 36,82 tạ/hécta, tăng gấp 18 lần. Hay như cây cao su vào năm 1971 có hơn 31.000 hecta với sản lượng đạt gần 11.000 tấn. Hiện nay, chỉ riêng Công ty cao su Đồng Nai hàng năm đã khai thác 43.000- 45.000 tấn, tăng gấp 4 lần. Cây bắp vào năm 1973 có hơn 6.200 hecta với sản lượng 9.200 tấn, hiện nay cây bắp trồng hàng năm ở Đồng Nai hơn 65.000 hecta, tăng gấp hơn 10 lần về diện tích, với sản lượng hơn 266.000 tấn, tăng gấp gần 30 lần. Nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế đã được đầu tư giống mới cho năng suất rất cao như cây điều, cây thuốc lá sợi vàng, cây tiêu, bông vải... Đặc biệt là giá trị tổng sản lượng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 7,6% đến nay đã lên tới 26%, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Tổng thu ngân sách trên địa bàn Đồng Nai từ 42 triệu đồng (năm 1976) lên 109,2 tỷ đồng (năm 1990) rồi 875 tỷ đồng (năm 1995) và tới năm 2004 lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng đã có bước chuyển biến rất rõ rệt với hệ thống đường, điện thoại, điện và nước sạch không chỉ có ở các đô thị, khu dân cư thị tứ mà đã được xây dựng, mở mang về tới hầu hết các vùng nông thôn ở Đồng Nai. Đến cuối năm nay, Đồng Nai phấn đấu có 95% tổng số hộ trong toàn tỉnh có điện và 90% tổng số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh. Hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%...
30 năm sau ngày miền Nam giải phóng đã đánh dấu một chặng đường phát triển vẻ vang của Đồng Nai, một trong những địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn đi đầu về tốc độ tăng trưởng cao so với cả nước.
Xuân Phú