Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kinh tế tư nhân ở Đồng Nai

11:04, 27/04/2005

Tính trong 5 năm trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần trên địa bàn Đồng Nai luôn đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao.

Một công đoạn sản xuất ở DNTN gốm Đồng Tâm.

Tính trong 5 năm trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN)  bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần trên địa bàn Đồng Nai  luôn đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao. Dự kiến mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2001-2005) đạt 12,7% (vượt mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra khoảng 2%),  gấp khoảng 2 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng  15,9% (mục tiêu 13-15%),  dịch vụ tăng 12% (mục tiêu 10-12%), nông-lâm-thủy tăng 4,45% (mục tiêu 3,5 - 4%). 

  * Môi trường thông thoáng, doanh nghiệp tăng nhanh

            30 năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện  chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường, Đồng Nai đã có nhiều giải pháp tích cực khơi thông nguồn lực trong nước, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng. Do vậy, cùng với khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển nhanh cả về số lượng và hiệu quả hoạt động.  Nếu như năm 2001, năm thứ 2 thực hiện theo Luật Doanh nghiệp (DN), toàn tỉnh chỉ có 1.663 (DN) với số vốn  đăng ký là 1.700 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên hơn 3.800 DN (tăng gần gấp 2,5 lần), tổng số vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng.  Hàng năm KTTN giải quyết việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động. Địa phương phát triển KTTN nhanh nhất là TP. Biên Hòa với hơn 1.000 DN, huyện Long Thành hơn 300 DN, Trảng Bom khoảng 200 DN, Thống Nhất hơn 100 DN... Tính từ năm 2001 đến  2004, giá trị sản xuất khu vực đạt bình quân 3.000 tỷ đồng/năm.

Làm ăn tiến triển, nhiều DN đã tăng vốn và mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Từ năm 2004 đến nay, có nhiều DN đã đầu tư mở rộng thêm ngành nghề. Điển  hình là DN Giang Nguyệt (xã Tam Phước, Long Thành) đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu từ gỗ nhập khẩu. DN Lộc Hưng Phát (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) đầu tư gần 1 tỷ đồng cho sản xuất album bằng giấy nhựa PP và PVC. DN cơ khí kỹ thuật Trung Cao (phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa)... đầu tư hơn 600 triệu đồng sản xuất các sản phẩm cơ khí. DN Hoàn Mỹ (xã Thạnh Phú, Vĩnh Cửu) đầu tư 300 triệu đồng mở rộng ngành nghề sản xuất nút áo xuất khẩu bằng vỏ ốc, gỗ cao su, vỏ dừa... Các DN khác như  sản xuất giày, dép Bình Tiên - Đồng Nai; chế biến hạt điều xuất khẩu Hảo (huyện Xuân Lộc); gốm mỹ nghệ Thanh Long (huyện Long Thành); gốm, sứ Đồng Tâm (Biên Hòa)... cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 300-400 lao động/DN.

Phải nói rằng khu vực KTTN ngày càng chiếm được vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế trên địa bàn Đồng Nai. Có những DN đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và nước ngoài bằng những sản phẩm và thương hiệu uy tín với khách hàng. Đáng kể nhất là DN Bình Tiên - Đồng Nai, hàng năm đã sản xuất 4-5 triệu đôi giày dép các loại, đạt doanh thu 200-300 tỷ đồng/năm. Thương hiệu giày dép Bình Tiên chẳng những được khách hàng trong nước tín nhiệm mà gần đây đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài như Lào, Trung Quốc và Mỹ... Hay DN gốm đỏ Thanh Long đã mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là DN sản xuất-kinh doanh ô tô Trường Hải, sau hơn 6 năm hoạt động tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, với chức năng sửa chữa, đóng mới các loại xe vận tải, DN đã phát triển thêm nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện và hàng chục đại lý bán hàng trên toàn quốc, tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động tại 2 đơn vị sản xuất trực thuộc công ty. Mỗi năm Trường Hải đạt doanh thu bình quân 400-500 tỷ đồng. DN Diệu Thương (Long Thành), đi vào hoạt động năm 1995, với vốn ban đầu hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, DN đã tăng vốn lên hàng chục tỷ đồng, mở rộng sản xuất các loại sản phẩm từ nguyên liệu nhựa, bảo đảm việc làm cho hơn 800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. DN cám Long Châu từng bước đứng vững trên thị trường cả nước; quy mô phát triển nhanh (bình quân tăng 3,2 lần/năm). Hiện nay, Long Châu không chỉ phát triển sản phẩm cám cho chăn nuôi heo mà còn mở rộng mặt hàng chế biến thức ăn cho bò, gà, vịt, tôm, cá... đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh và các địa phương khác.

* Những thách thức trên đường hội nhập

           Nhìn chung khu vực kinh tế tư nhân những năm gần đây đã thực sự khởi sắc do chủ trương khuyến khích phát triển và đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế của nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn đối với khu vực KTTN trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn nhiều. Tại hội nghị tổng kết kinh tế tư nhân do Liên minh HTX và DN ngoài quốc doanh tỉnh tổ chức vào cuối năm 2004, nhiều DN cho rằng doanh nghiệp tư nhân chủ yếu quy mô sản xuất thuộc loại nhỏ và vừa, có ít vốn, do vậy muốn phát triển sản xuất - kinh doanh hầu hết DN thì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Nhưng một thực tế hiện nay là các DN nhỏ và vừa có giá trị tài sản thấp, không thể vay được nguồn vốn lớn tại các ngân hàng thương mại quốc doanh. Vừa qua, Chính phủ cũng đã quy định thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa nhưng theo điều lệ của quỹ, ngoài phần vốn của ngân sách và ngân hàng nhà nước thì các DN phải đóng góp thêm. Trong khi DN chưa đủ vốn để sản xuất thì làm sao có vốn để đóng góp vào quỹ do vậy cho đến nay quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa vẫn chưa đi vào hoạt động.

Không chỉ có trở ngại về vốn ít, đối với khu vực KTTN, việc mở rộng mặt bằng, phát triển thêm ngành nghề cũng rất khó khăn, nhất là các ngành công nghiệp - xây dựng. Theo nhiều DN sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cho biết, hiện họ đang phải sử dụng máy móc sản xuất cũ, sản phẩm không đáp ứng thị hiếu khách hàng nước ngoài, hạn chế lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong xu thế thị trường mở như hiện nay.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm từ 2006-2010, Đồng Nai sẽ phát triển mới khoảng 6.300 DNTN, với vốn đăng ký hơn 10.200 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, Đồng Nai sẽ có những giải pháp như: tiếp tục thực hiện định hướng phát triển ngành nghề đối với DN tư nhân, gắn với việc bố trí mặt bằng cho các cụm tiểu thủ công nghiệp, hoặc làng nghề truyền thống ở các huyện, trước mắt là các ngành nghề chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu, sản xuất gốm mỹ nghệ và xuất khẩu, hàng tiểu thủ công nghiệp bằng nhựa, sản phẩm cơ khí; tăng cường hoạt động và phát huy vai trò của các Hiệp hội DN chuyên ngành và Hội DN trẻ. Đồng thời phát triển thêm các Hội DN mới để tạo thuận lợi  trong việc liên kết hỗ trợ giúp cho các DN hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết khó khăn trong vay vốn  đầu tư phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Lê Hương Thơm

 

Tin xem nhiều