Những năm gần đây, thời cơ làm ăn mới đã đến với Trảng Bom khi tình hình đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai tăng nhanh...
Vốn là một huyện thuần nông, sau ngày giải phóng miền Nam, vùng đất Trảng Bom hầu hết đều bị hoang hóa và bị tàn phá do chiến tranh kéo dài, hàng chục ngàn lao động thất nghiệp, phần lớn dân cư nghèo đói, tình hình sản xuất công nghiệp hầu như không có gì. Bước vào việc khôi phục sản xuất, gần 20 năm sau ngày giải phóng, huyện quan tâm đầu tư nhiều đến phát triển nông nghiệp, tuy vậy đi lên từ nền nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả nông sản bấp bênh, thị trường không ổn định, không đủ sức để làm đón bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn này.
Những năm gần đây, thời cơ làm ăn mới đã đến với Trảng Bom khi tình hình đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai tăng nhanh. Huyện đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng xây dựng khu công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy công nghiệp làm hàng đầu. Được sự chấp thuận của Chính phủ, Trảng Bom đã quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung là: Hố Nai 3, Sông Mây và Bàu Xéo. Riêng 2 KCN Sông Mây và Hố Nai đã thu hút nhiều dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp điện - điện tử, cơ khí và dự án du lịch sân golf. Trong đó, diện tích đất được giao cho 12 nhà máy thuộc tập đoàn VMEP là 39 hécta và dự án Bochang Dona Tourist là 235 hecta.
Tính đến nay, đã có 120 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn Trảng Bom, với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 17 ngàn lao động. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Tỷ lệ cho thuê lấp kín đạt gần 64% so với diện tích đất quy hoạch cho thuê. Các dự án được phân bổ theo các ngành, nghề, lĩnh vực : công nghiệp cơ khí chế tạo chiếm tỷ lệ 58%, công nghiệp thiết bị điện - điện tử dân dụng chiếm 10%, công nghiệp hóa nhựa, chiếm 9%, công nghiệp chế biến sản phẩm nuôi trồng thủy sản: 12%, các ngành nghề khác: 11%.
Ngoài các KCN, huyện cũng mở thêm 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung ở Hố Nai 3, Hưng Thịnh, Thanh Bình và An Viễn với quy mô bình quân 35- 50 hecta/cụm. Hiện nay cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (50 hecta) đã hoàn tất phần hạ tầng và các doanh nghiệp đã đăng ký lấp đầy 100% diện tích. Cụm công nghiệp Hưng Thịnh (35 hecta) cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Còn 2 cụm Thanh Bình, An Viễn đang được tiến hành quy hoạch. Ngoài ra, Trảng Bom đang đề nghị tỉnh cho quy hoạch bổ sung thêm 2 cụm công nghiệp địa phương là: Sông Thao, Hố Nai 3, nhằm mở rộng thêm các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dân doanh quy mô chưa lớn đầu tư vào sản xuất-kinh doanh. Việc xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp là ưu thế lớn, tạo thuận lợi cho Trảng Bom trong hướng phát triển công nghiệp vào địa điểm quy hoạch, hạn chế việc đầu tư rải rác, phân tán tại các khu dân cư...
Phải nói rằng nhờ xây dựng, phát triển các khu và cụm công nghiệp trong những năm qua, Trảng Bom đã tạo ra bước ngoặt thay đổi bộ mặt kinh tế- xã hội trong toàn huyện. Từ một địa phương cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với tỷ trọng chiếm hơn 70% /GDP trong những năm 1980, đến nay tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng đã đứng đầu trong cơ cấu kinh tế (53,5%). Tốc độ tăng trưởng GDP : 19,6% (so với chỉ tiêu do huyện đề ra khoảng 6%). GDP bình quân đầu người đạt 743 USD/người (chỉ tiêu là 700 USD). Hơn 20% lao động nông nghiệp đã chuyển sang công nghiệp.
30 năm sau ngày miền
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng là vóc dáng công nghiệp của huyện Trảng Bom đã và đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp, tiến vào thời kỳ phát triển mới để hội nhập với nền kinh tế chung của cả nước.